Nghe cuộc trao đổi giữa PV VOV và ông Vũ Mão
Mới đây trong cuộc họp báo thường kỳ của Thảnh ủy thành phố Hà Nội, sự việc ông Lê Trung Kiên, Phó ban Tổ chức Quận ủy Cầu Giấy có mối quan hệ với xã hội đen, giết hại ông Kiều Hồng Thành ngay trên xe ô tô khiến dư luận bức xúc, đã được đưa vào nội dung cuộc họp. Sự việc đã mang lại nhiều suy ngẫm về công tác quản lý cán bộ hiện nay.
PV VOV đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Mão, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về vấn đề này.
PV: Sự việc ông Lê Trung Kiên, Phó ban Tổ chức Quận ủy Cầu Giấy có mối quan hệ với xã hội đen, gây ra án mạng khiến dư luận vô cùng bức xúc. Ông có suy nghĩ gì về vụ việc này và liệu có thể hiểu là một phút suy nghĩ không chín chắn của một cán bộ đã đảm nhận nhiều chức vụ, dẫn đến những hành vi phạm tội không, thưa ông?
Ông Vũ Mão: Đây là một vụ việc hết sức nghiêm trọng mà cả xã hội quan tâm. Lâu nay chúng ta thường biết đến hoạt động của xã hội đen thường liên quan tới các đối tượng xấu, có nhiều tiền án tiền sự, nhưng vụ việc này lại liên quan tới một cán bộ có chức vụ, phụ trách công tác tổ chức nhân sự của một quận ủy. Do vậy, vấn đề càng trở nên nghiêm trọng, cần phải được xem xét kỹ lưỡng.
Theo tôi, việc làm này không thể là bộc phát, hành động chỉ sau vài phút suy nghĩ. Ngay với 1 người bình thường cũng không thể có hành động như vậy, huống hồ đây là một cán bộ của Đảng, có cương vị, công tác quan trọng. Như vậy, sự việc này chắc hẳn có nguyên nhân sâu xa mà ta cần phải phân tích làm rõ, rút ra những bài học cần thiết.
PV: Nếu nhìn vụ việc ở góc độ công tác quản lý cán bộ, trước khi ở cương vị Phó Trưởng ban, ông Kiên đã từng là Phó Chủ tịch UBND phường Trung Hòa, Phó Chánh văn phòng UBND quận Cầu Giấy, Chủ tịch UBND phường Mai Dịch. Để được đề bạt, bổ nhiệm chắc chắn phải trải qua nhiều quy trình nghiêm ngặt của tổ chức. Vậy ông có bình luận gì về điều này?
Ông Vũ Mão: Qua vụ việc này, có thể thấy công tác cán bộ của Đảng nói chung, cụ thể là của cấp ủy quận Cầu Giấy nói riêng, của thành phố Hà Nội còn nhiều sơ hở. Cái khó ở đây theo tôi là khi chỉ nhìn vào quá trình bố trí công tác cho Lê Trung Kiên thì khá là bài bản, thậm chí cán bộ này đang có nhiều triển vọng, vậy mặt trái ở đây là gì?
Theo tôi, có lẽ cấp ủy chưa nắm được thực chất của cán bộ, đánh giá cán bộ còn mang tính hình thức, cảm tính. Việc thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ chưa có chiều sâu. Để được bố trí, đề bạt là Phó Trưởng ban Tổ chức quận ủy Cầu Giấy, ông Kiên đã qua ít nhất qua 3 cương vị công tác. Có lẽ cấp ủy Cầu Giấy chưa thực hiện việc quản lý, giám sát tốt cán bộ qua mỗi cương vị.
Ngoài ra, tiêu chí đánh giá và đề bạt cán bộ của ta còn nặng về bằng cấp. Đây không chỉ riêng vấn đề của cấp ủy quận Cầu Giấy mà còn của các cơ quan trung ương nói chung.
PV: Có ý kiến cho rằng, khó để đổ lỗi cho tổ chức bởi một con người có rất nhiều mối quan hệ xã hội khác nhau và tổ chức thì không thể kiểm soát hết được. Chúng ta phải nhìn nhận sự việc này thế nào cho kín kẽ, thưa ông?
Ông Vũ Mão: Chúng ta cần bình tâm xem xét ngọn nguồn với chiều sâu và toàn diện. Với suy nghĩ bước đầu, theo tôi, đầu tiên, ý thức tự giác tu dưỡng của người cán bộ đảng viên là quan trọng nhất, không ai có thể thay thế họ rèn luyện và cũng không ai có thể theo sát họ để giám sát hoạt động của họ. Thứ hai, vai trò quản lý của đơn vị, nhất là thủ trưởng, xu hướng bây giờ là “dễ người dễ ta”, công tác quản lý nhân sự lỏng lẻo, còn yếu. Thứ ba, môi trường xã hội là rất quan trọng, trong đó tình trạng thực dụng, thờ ơ, vô cảm của nhiều thành viên trong xã hội cũng cần được quan tâm. Cơ chế thị trường là cần thiết nhưng những mặt trái của nó đang tác động rất mạnh đến đạo đức, phẩm chất của người dân. Thứ tư, công tác quản lý nhà nước chưa tốt, thực thi pháp luật còn nhiều sơ hở.
Đây là vấn đề không chỉ của cá nhân ông Kiên mà cần nhìn rộng ra liên quan tới vấn đề công tác, quy hoạch, đào tạo, chính sách luân chuyển cán bộ của đảng ta nói chung. Cần bổ sung thêm những cơ chế, chính sách, quy trình, quy phạm trong việc kiểm tra, giám sát cán bộ đảng viên.
PV: Ông có cho rằng cơ chế kiểm tra, giám sát vẫn có lỗ hổng, đặc biệt là giám sát cán bộ Đảng viên ở khu dân cư?
Ông Vũ Mão: Công tác quản lý ở đơn vị, của thành viên cơ quan rất lỏng lẻo, thường có xu hướng ngại va chạm. Còn ở khu dân cư lại là một vấn đề khác và cần phải nhìn nhận, sửa đổi, do đa số các cán bộ cho rằng khu dân cư chỉ là nơi để ở, không có mối quan hệ công tác, không có vai trò tác động đến hoạt động chính trị của mình, do vậy có tâm lý coi nhẹ đối với địa phương, khu dân cư. Bên cạnh đó, quy định hiện hành chưa khẳng định rõ mối quan hệ của các cán bộ sống ở khu dân cư là như thế nào, họ có trách nhiệm gì, quyền của cán bộ, cơ quan Đảng và chính quyền địa phương trong việc quản lý cán bộ đương chức ra sao. Hơn nữa, chúng ta vẫn chưa phát huy được vai trò của các tổ chức đoàn thể xã hội như tổ chức cựu chiến binh, người cao tuổi, nhất là các bậc lão thành cách mạng, họ là những người có kinh nghiệm, tiếng nói và là những người rất nghiêm túc và thẳng thắn, có trách nhiệm. Nếu có sự hỗ trợ của họ thì công tác quản lý cán bộ tại khu vực sẽ rất tốt.
PV: Xin cảm ơn ông!./.