Nghe thời sự trưa 7/8

Ngày 6/8, hãng tin Tân Hoa xã dẫn thông báo của Trung tâm an toàn hàng hải “Nam Hải” của Trung Quốc cho biết, cơ quan này đã hoàn thành việc khảo sát và đo đạc thực địa tại 5 đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhằm phục vụ cho công tác lựa chọn điểm xây dựng các ngọn hải đăng.

1_42bcd_rysa.jpgHình ảnh hoạt động khảo sát trái phép của Trung Quốc
 Theo công bố của phía Trung Quốc, 5 đảo được tiến hành khảo sát là đảo Đá Bắc, Đá Hải Sâm, đảo Duy Mộng, Cồn Cát Nam và Hòn Tháp thuộc quần đảo Hoàng Sa. Phía Trung Quốc còn tuyên bố sẽ tiếp tục triển khai hoạt động đo đạc địa chất tại các đảo, thu thập mẫu địa chất tại các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, nhằm thu thập số liệu xác thực nhất để xây dựng các ngọn hải đăng.

Tuyên bố trên được đưa ra ngay trước thềm Hội nghị Diễn đàn an ninh khu vực lần thứ 21 (ARF 21), khi mà một số nước trong đó có Mỹ và Philippines tuyên bố sẽ nêu các sáng kiến hạ nhiệt tình hình Biển Đông. Một trong những nội dung trong sáng kiến Mỹ và Philippines nêu ra là việc yêu cầu các bên ngừng tất cả các hoạt động thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông.

Phản ứng trước những đề xuất nêu trên, phía Trung Quốc không những không chấp nhận mà còn tuyên bố sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động ở Biển Đông trong thời gian tới.

Phát biểu tại cuộc toạ đàm do Hội nhà báo Trung Quốc tổ chức ngày 4/8 vừa qua, Phó Vụ trưởng Vụ biên giới và hải đảo Bộ Ngoại giao Trung Quốc Dị Tiên Lương cho rằng đề xuất “đóng băng” các hành động ở Biển Đông là “không cần thiết và không hiện thực”.

Cùng với việc từ chối các giải pháp hạ nhiệt tình hình Biển Đông, ông Dị Tiên Lương còn ngang nhiên khẳng định các hoạt động của Trung Quốc cải tạo đảo đá ở Biển Đông gần đây “là hết sức hợp lý” và khẳng định “sẽ tiếp tục các hoạt động cải tạo các đảo ở Biển Đông căn cứ vào yêu cầu thực tế”.

Chương trình còn có một số nội dung chính:

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết do virus Ebolagây ra tại vùng Tây Phi, để chủ động phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh nguy hiểm ngay từ cửa khẩu, Bộ Y tế đề nghị 4 Bộ Công an, Quốc phòng, Giao thông vận tải và Ngoại giao phối hợp và chỉ đạo việc thực hiện khai báo y tế tại các cửa khẩu quốc tế.

Theo đó, đối tượng thực hiện khai báo y tế gồm những hành khách đến từ vùng dịch trong vòng 21 ngày. Nội dung tờ khai y tế thực hiện theo Thông tư số 32/2012 của Bộ Y tế quy định về khai báo tình trạng sức khỏe đối với người nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh tại các cửa khẩu Việt Nam.

Khi làm thủ tục nhập cảnh nếu phát hiện hành khách tới từ các quốc gia vùng dịch (chưa qua 21 ngày), cán bộ làm thủ tục xuất nhập cảnh chỉ dẫn hành khách tới bộ phận thực hiện kiểm dịch y tế dể khai Tờ khai y tế. Tại đây, kiểm dịch y tế có trách nhiệm hướng dẫn hành khách khai báo và đống dấu xác nhận vào Tờ khai y tế theo quy định.

Khi phát hiện hành khách có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh Ebola, kiểm dịch viên y tế sẽ tiến hành cách ly triệt để và thực hiện các biện pháp xử lý y tế theo quy định. Thời gian thực hiện áp dụng Tờ khai y tế từ 00 giờ ngày 15/8/2014 tại tất cả các cửa khẩu quốc tế trong toàn quốc.

Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Ngoại giao hạn chế cử cán bộ đi đến các quốc gia đang có dịch bệnh Ebola khi không cần thiết. Trường hợp phải đi đến các quốc gia đang có dịch bệnh, cần tổ chức phổ biến và tuyên truyền, hướng dẫn cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý về các biện pháp phòng chống dịch bệnh Ebola theo các khuyến cáo của Bộ Y tế để chủ động phòng lây nhiễm cho bản thân và cộng đồng.

Hội nghị toàn quốc ngành kế hoạch và đầu tư năm 2014 quán triệt chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 – 2020 và dự thảo của Bộ Kế hoạch và đầu tư về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn này.

Thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật tại kho bạc Nhà nước Việt Nam tại 8 tỉnh, thành phố đã phát hiện nhiều sai phạm.

Phần tin thế giới còn có nội dung đáng chú ý: Israel và Hamas vẫn chưa thống nhất về việc ra hạn lệnh ngừng bắn tại dải Gaza./.