Việc tàu Trung Quốc liên tục có hành động sử dụng vũ lực đâm va, phá hủy tàu lực lượng thực thi pháp luật, tàu cá của ngư dân Việt Nam, đánh chìm, bắt hải sản ở ngư trường truyền thống không chỉ vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế mà còn là hành động vô nhân đạo.

Nghe nội dung cuộc phỏng vấn tại đây
Nhiều chuyên gia luật pháp cho rằng, đây là hành động khủng bố và chúng ta nên có hành động tiếp theo như thế nào để bảo vệ quyền lợi quốc gia.

Phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Thanh Sơn, Văn phòng Luật sư AIC, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội về vấn đề này.

PV:Thưa ông, kể từ khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam, Trung Quốc liên tục có các hành động dùng vũ lực, đâm va, phá hủy tàu của lực lượng thực thi pháp luật và tàu cá của Việt Nam. Gần đây nhất là vụ đâm chìm tàu kiểm ngư 951 vào sáng 23/6 khiến cho tàu kiểm ngư 951 bị hư hỏng nặng. Những hành động này của Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế như thế nào?

Luật sư Lê Thanh Sơn: Theo quan điểm của chúng tôi, tất cả các hành vi của Trung Quốc đã sử dụng trong thời gian qua là vô nhân đạo.

Nếu xem xét các hành vi nằm trong khuôn khổ pháp luật thì tất cả hành vi này của Trung Quốc đã vi phạm Khoản 4 Điều 2 của Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Trong quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc, “các quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc không được phép sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong các quan hệ quốc tế”. Trung Quốc đã sử dụng các hành vi nêu trên là vi phạm quy định này.

Thứ 2, việc họ lắp đặt giàn khoan trái phép, đưa các tàu ra bảo vệ… là vi phạm Công ước của Luật Biển LHQ năm 1982, cụ thể là vi phạm các quy định tại Điều 55, 56, 57, 58, 76,77, 81 và một số điều khác nữa.

Thứ 3, trong Tuyên bố về nguyên tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (gọi tắt là DOC), trong đó Trung Quốc cũng là thành viên ký kết vào bản tuyên bố này, điểm 4 và điểm 5 nêu: các quốc gia không được sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết các vấn đề tranh chấp tại Biển Đông và Trung Quốc đã vi phạm chính những điều đã ký kết. Họ đã chà đạp lên luật pháp quốc tế.

dna-90152a_vtug.jpgĐNa-90152 với vết thương trên thân mình.

PV:Theo ông chúng ta nên giải thích như thế nào về bản chất dùng vũ lực chà đạp lên luật pháp quốc tế của phía Trung Quốc?

Luật sư Lê Thanh Sơn: Từ những phân tích trên, chúng tôi thấy rằng, hành động của Trung Quốc là hành vi xâm lược (cách gọi chính xác hơn là “Hành vi xâm lược về chủ quyền quốc gia”, tức là xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông).

Việc họ liên tục sử dụng vũ lực, dùng các tàu đâm va, đặc biệt là đâm va tàu cá của Việt Nam, làm 10 ngư dân Việt Nam bị rơi xuống biển mà vẫn thản nhiên bỏ đi, đấy là một hành vi hết sức vô nhân đạo.

Pháp luật quốc tế chỉ rõ: Bất kỳ trường hợp nào trong các hành trình trên biển, khi có người bị nạn thì bắt buộc phải cứu. Ở đây, tôi chưa nói về khía cạnh luật pháp mà chỉ nói về vấn đề đạo đức, là hành vi vô nhân đạo.

Khi xem xét lại cả tiến trình, chúng tôi thấy rằng, các hành vi đó không phải là tự phát mà có sự chỉ đạo rất rõ ràng. Có nghĩa Nhà nước Trung Quốc đã có sự chỉ đạo chính trị cho các lực lượng này nên họ mới có các hành vi đó.

Phía Trung Quốc thấy người bị nạn mà không ứng cứu, theo chúng tôi, ngoài hành vi xâm lược như đã nêu ở trên, có lẽ chúng ta cũng phải xem xét một khía cạnh nữa là “Hành vi khủng bố”.

LHQ đã từng có Nghị quyết nói về chống khủng bố và Nghị quyết này đã được các nước thành viên LHQ ủng hộ, đặc biệt là Hoa Kỳ. Từ trước đến nay, chúng ta mới chỉ nói đến khủng bố của các cá nhân hay các tổ chức mà chưa bao giờ nói về khủng bố quốc gia. Ở đây, chúng tôi muốn nói rằng, hành vi của Trung Quốc xứng đáng được gọi là khủng bố quốc gia.

Vậy thế nào là khủng bố quốc gia và trong các trường hợp khủng bố quốc gia thì pháp luật quốc tế đối xử với nó như thế nào?

Chúng ta có thể hiểu: Các nước lớn sử dụng hành vi như: dùng sức ép, đe dọa rồi sử dụng vũ lực để gây chiến đối với các nước nhỏ. Hành vi đó tạm gọi là hành vi khủng bố. Và chúng ta phải có một quy định nào đó để ngăn cản các hành vi của các quốc gia lớn bắt nạt các quốc gia nhỏ.

PV:Về vấn đề này, theo ông chúng ta nên đưa ra những đề xuất như thế nào với LHQ để tránh tình trạng nước lớn ép nước nhỏ?

Luật sư Lê Thanh Sơn: Theo tôi, chúng ta cần đề xuất với LHQ về vấn đề xem xét các hành vi nào thì được gọi là “Hành vi khủng bố quốc gia” và trách nhiệm của các nước trong LHQ như thế nào với hành vi gọi là “Khủng bố quốc gia”.

Chúng tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta đưa khái niệm này cùng các đề xuất ra quốc tế, chắc chắn rất nhiều quốc gia trên thế giới ủng hộ.

Bởi lẽ, trước đây, LHQ đã nói về hành vi khủng bố rồi nhưng cũng chưa phân định rõ về vấn đề khủng bố quốc gia và coi khủng bố quốc gia là như thế nào thì nay đã có chế tài áp dụng với nó và trách nhiệm cho thế giới biết điều đó. Và Đại hội đồng Liên Hợp Quốc cần thiết phải có chế tài để áp dụng đối với nó.

PV: Vâng xin cảm ơn ông!./.

Ngày 29/6, các công nhân của nhà máy đóng tàu X50, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng đã tiến hành sửa chữa tàu kiểm ngư 951 vừa bị Trung Quốc đâm nát. Chiếc tàu này bị hàng loạt tàu Trung Quốc đâm khi làm nhiệm vụ ngăn cản Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Trước đó, ngày 1/6, tàu Trung Quốc đã cố tình đâm vào tàu cảnh sát biển Việt Nam mang số hiệu 2016 làm thủng 4 lỗ, cách mặt nước 40 cm. Vụ việc nghiêm trọng nhất là vụ đâm chìm tàu cá ĐNa 90152 của bà Huỳnh Thị Như Hoa, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng vào chiều 26/5.