Nghe cuộc trao đổi giữa PV VOV và Tiến sĩ Trần Tuấn

Mới đây nhất, dư luận lại bất bình trước sự việc người nhà bệnh nhân hành hung các y bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Những vụ việc này liên tục xảy ra khiến dư luận không khỏi lo ngại về vấn đề an ninh bệnh viện, cùng với đó là sự xuống cấp về cách thức ứng xử của một bộ phận người dân trong xã hội.

Đã nhiều ngày sau khi xảy ra sự việc người nhà bệnh nhân Nguyễn Thị Hồng Mỹ (32 tuổi) đã hành hung một số cán bộ y tế của bệnh viện đang trực, các y bác sĩ vẫn chưa hết bàng hoàng. Theo lãnh đạo khoa cấp cứu, họ đã làm đúng quy trình cấp cứu điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Thị Hồng Mỹ. Nhưng phải nhìn nhận thực tế rằng, với hàng trăm ca bệnh nặng từ cấp tuyến chuyển lên, nhân lực trong khoa khó có đủ để đáp ứng việc chăm sóc, theo dõi liên tục cho bệnh nhân. Từ đó dẫn đến việc người nhà bệnh nhân hiểu nhầm và xảy ra sự cố đáng tiếc trên.

bs_cren.jpgĐối tượng Dũng mặc áo đen đang dùng vật nặng tấn công bác sĩ tại phòng tiếp nhận cấp cứu. (Ảnh: TTVH)

PV VOV đã có buổi trao đổi với Tiến sĩ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đạo tạo phát triển cộng đồng, Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam về vấn đề làm thế nào để có được một môi trường an toàn cho các y bác sĩ cũng như người bệnh.

PV: Sự việc xảy ra tại Bệnh viện Bạch mai cho thấy an ninh trong bệnh viện nước ta vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra. Nhiều ý kiến cho rằng cần có lực lượng công an để đảm bảo an ninh cho bệnh viện, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Tiến sĩ Trần Tuấn: Tôi cho rằng vấn đề an ninh tại bệnh viện không thể giải quyết bằng cách này, do vấn đề đảm bảo an ninh phải có một lực lượng chuyên môn. Lực lượng địa phương không thể lúc nào cũng ngay lập tức có mặt để giải quyết các vấn đề này và cũng không thể giàn trải lực lượng ra các cơ sở. Do đó, để có riêng một lực lượng đảm bảo an ninh cho bệnh viện, chúng ta sẽ cần làm rõ ràng chức năng nhiệm vụ, kể cả kinh phí thực hiện, từ đó tạo ra một dịch vụ về an ninh và giải quyết các vấn đề trên bài toán của dịch vụ.

PV: Ngoại trừ một số vụ côn đồ, truy sát vào tận bệnh viện gây cản trở cho hoạt động cấp cứu bệnh nhân của các y bác sĩ, thì còn có những nguyên nhân nào khác khiến tình trạng mất an ninh tại bệnh viện gia tăng, thưa ông?

Tiến sĩ Trần Tuấn: Vấn đề này chủ yếu xảy ra ở bệnh viện công và trong những khu vực tập trung đông bệnh nhân đến như các khu cấp cứu. Vậy tại sao các sự việc này hay xảy ra ở bệnh viện công mà không phải bệnh viện tư? Bản chất của bệnh viện công là phục vụ cho sự công bằng xã hội, do vậy nhắm vào các đối tượng yếu thế như người nghèo, người ở khu vực khó khăn, thường y tế tư nhân không đầu tư. Điều này dẫn đến các bệnh viện công luôn trong tình trạng quá tải khiến các y bác sĩ chịu nhiều áp lực trong công việc.

Nguyên nhân chính của tình trạng này là vấn đề quản lý bệnh viện công chưa phù hợp. Cần phải giải quyết bài toán về cơ cấu tổ chức bệnh viện công bao gồm chức năng, mối quan hệ, sự minh bạch về trách nhiệm của mỗi bên trong vấn đề đảm bảo an ninh bệnh viện. Đây là bài toán mang tầm vĩ mô, bài toán vĩ mô chưa được giải quyết nên hiện tượng này mới xảy ra.

PV: Nhiều trường hợp mâu thuẫn xảy ra trong bệnh viện là do sự thờ ơ, chậm trễ của các y bác sĩ khiến người nhà bệnh nhân khó kiềm chế. Ý kiến của ông về vấn đề này là như thế nào, thưa ông?

Tiến sĩ Trần Tuấn: Tôi cho rằng, trước hết, đánh người là vi phạm luật pháp. Do vậy, việc hành hung các y bác sĩ của người nhà bệnh nhân cho dù vì lý do gì cũng không được tán thành.

Tuy nhiên, hiện nay, xã hội, hệ thống bệnh viện và bộ máy tổ chức lãnh đạo không nhìn nhận đầy đủ về vấn đề quyền của người bệnh. Khi đã tổ chức hệ thống y tế theo mô hình dịch vụ thì người sử dụng dịch vụ phải có quyền riêng của họ như quyền được khám bệnh, chữa bệnh có chất lượng phù hợp với điều kiện thực tế, quyền được tư vấn, giải thích về tình trạng bệnh tật,... Nếu quyền lợi của người bệnh không được coi trọng thì tất yếu sẽ xảy ra mâu thuẫn.

PV: Những căng thẳng hiện nay và những áp lực mà bác sĩ phải chịu đựng đang tạo ra một vòng xoắn khiến cho sức ép gia tăng lên cả bác sĩ và bệnh nhân. Vậy làm thế nào để hóa giải những căng thẳng này trong bệnh viện, đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh và đảm bảo an ninh tại bệnh viện, thưa ông?

Tiến sĩ Trần Tuấn: Theo tôi, mâu thuẫn giữa người cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ sẽ vẫn tiếp tục xảy ra. Trong tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trên như hiện nay, các bác sĩ không có nhiều thời gian để có thể tư vấn cho người nhà của tất cả các bệnh nhân. Do vậy, hệ thống y tế sẽ cần phải xây dựng một bộ phận hỗ trợ chuyên giải quyết các thắc mắc, tư vấn cho khách hàng xung quanh vấn đề bệnh tật của bệnh nhân. Bộ phận này cần phải được trang bị đầy đủ các kiến thức về tâm lý, pháp luật và y tế để có thể hỗ trợ cho bác sĩ cũng như bệnh nhân điều trị tại bệnh viện một cách tốt nhất./.