Khởi nguyên, tại vị trí Dinh Độc Lập bây giờ là một dinh thự của Thống đốc Nam Kỳ, có tên là Dinh Norodom, được xây dựng từ năm 1868, theo lối kiến trúc cổ điển phương tây và được hoàn thành vào năm 1871.
Năm 1954, sau thất bại tại Điện Biên Phủ, Pháp buộc phải ký hiệp định Geneve và rút quân khỏi Việt Nam. Đất nước tạm thời bị chia cắt ở vĩ tuyến 17 (Quảng Trị) với hai chính quyền: Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ở phía bắc và ngụy quyền Sài Gòn ở phía nam.
Ngày 7/9/1954, Dinh Norodom được bàn giao giữa đại diện chính phủ Pháp và đại diện chính quyền Sài Gòn là Ngô Đình Diệm. Ngày 8/9/1954, Ngô Đình Diệm đã đổi tên Dinh Norodom thành Dinh Độc Lập. Từ đó Dinh Độc Lập thành nơi ở và làm việc của gia đình Ngô Đình Diệm.
Năm 1962, Dinh Độc Lập bị phá huỷ nặng trong một cuộc không kích. Ngô Đình Diệm quyết định phá bỏ công trình này và xây dựng một Dinh Độc Lập mới trên nền đất cũ rộng khoảng 12 ha ở trung tâm Sài Gòn. Dinh Độc lập mới được xây dựng theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, người Việt Nam đầu tiên đoạt giải Khôi nguyên La Mã.
Đây là công trình kiến trúc hiện đại lớn nhất của Việt Nam thời bấy giờ tính cả ở hai miền Nam - Bắc. Trong đồ án thiết kế của mình, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ đã kết hợp khéo léo giữa phong cách kiến trúc hiện đại phương tây với những giá trị truyền thống Á Đông, tinh thần dân tộc.
Dinh Độc Lập mới được khởi công ngày 1/7/1962; do Ngô Đình Diệm ra quyết định khởi dựng. Tuy nhiên, ngày 2/11/1963, Ngô Đình Diệm bị ám sát do đảo chính. Công trình vẫn tiếp tục được thi công; và khánh thành ngày 31/10/1966 với sự chủ toạ của tướng Nguyễn Văn Thiệu - Chủ tịch Uỷ ban lãnh đạo Quốc gia và tướng Nguyễn Cao Kỳ - Chủ tịch Uỷ ban hành pháp Trung ương trong chính quyền ngụy. Từ đó, Dinh Độc Lập gắn liền với những sự kiện chính trị của chính quyền ngụy và gia đình Nguyễn Văn Thiệu.
Dinh Độc Lập có diện tích xây dựng 4500m2; diện tích sử dụng khoảng 20.000m2, gồm tầng hầm, tầng trệt, 3 tầng chính, 2 gác lửng và 1 sân thượng với khoảng 100 phòng được trang trí nội thất khác nhau.
Ngày 30/4/1975, xe tăng mang số hiệu 390 của quân giải phóng đã húc đổ cổng Dinh Độc Lập tiến vào trong. Nội các của tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện. Chính quyền ngụy (Việt Nam Cộng hoà) chính thức sụp đổ.
Sau khi đất nước thống nhất, Dinh Độc Lập được đổi tên thành Hội trường Thống nhất, song nhiều người vẫn quen gọi là Dinh Độc Lập.
Ngày nay, Dinh Độc Lập, hay Hội trường Thống Nhất là nơi hội họp của Chính phủ, nơi tiếp đón nghi lễ ngoại giao khu vực phía nam; và cũng là điểm tham quan thu hút của TP Hồ Chí Minh.
Năm 2009, Dinh Độc Lập là 1 trong 10 điểm di tích đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Xem chùm ảnh về Dinh Độc Lập: