“Dù ai buôn Bắc bán ĐôngĐố ai quên được nhãn lồng Hưng Yên”

Đã từ lâu, tỉnh Hưng Yên được gắn liền với đặc sản nổi tiến nhãn lồng. Đến Hưng Yên đâu đâu cũng thấy nhãn, đặc biệt nếu đi trên đường đê thuộc địa phận Hưng Yên sẽ thấy nhãn trồng san sát chạy ven theo triền đê. Nhãn còn được trồng trong sân nhà làm bóng mát, sân ủy ban, sân đình, sân chùa, sân nhà thờ và trường học...

Đặc biệt nhất là ở Phố Hiến, ở đây có một khu phố trồng nhãn dài hun hút. Cũng là đất bãi sông Hồng mà sao nhãn Phố Hiến lại ngon hơn hẳn nơi khác? Nhãn Phố Hiến được ví như vua của loài nhãn.

Ở Phố Hiến có cây nhãn tổ khoảng 400 năm tuổi, gốc nhãn to mấy người ôm nay đã mục, chỉ còn một nhánh con mọc lên, vậy mà nhãn tổ vẫn sai, vẫn ngon nổi tiếng một vùng. Tương truyền, nhãn Phố Hiến là nhãn tiến vua ngày trước, được trồng ngay trong Đình Hiến, ven đường và đã được dựng bia ghi danh.

Trồng nhãn cũng khá rủi ro do phải phụ thuộc vào thời tiết, ví như nếu có mưa nhiều vào đúng dịp nhãn ra hoa thì coi như mất mùa. Tuy vậy, nhiều hộ dân ở đây có bí quyết để hãm hoặc "ép" cho hoa ra muộn hoặc sớm hơn để tránh mưa. Đúng theo lịch vào thời điểm này là đúng mùa nhãn nhưng năm nay nhãn ra hoa muộn hơn so vơi các năm nên phải sau 1 tháng nữa mới đến vụ nhãn.

Nhãn năm nay lại được mùa so với các năm trước, cây nào cũng nhiều quả, niềm vui hiện rõ trên gương mặt những người trồng nhãn…

Đường vào Phố Hiến ngập tràn cây nhãn.

Nhà thờ ở Phố Hiến được xây từ năm 1934 có rất nhiều nhãn được trồng hai bên.

Một vườn nhãn tiêu biểu ở Phố Hiến. Gốc nhãn thường không cao, nhiều cành mọc từ gốc.

Cây nhãn tổ được trồng ngay trong Đình Hiến.

Nhãn không chỉ cho bóng mát trước hiên, sau vườn mà còn là cây làm giàu cho các gia đình.

Nhãn sai trái xòa bóng trong sân...

Bà Hà Thị Đào, 87 tuổi ở thôn Hồng Lam đang vặt bớt mầm để nhãn to quả.

Nhãn năm nay được mùa sau 3 năm mất mùa...