Trong quần thể kiến trúc cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa nhân loại, thì khu vực Kinh thành là quan trọng nhất, ý nghĩa nhất về mọi phương diện. Kinh thành Phú Xuân (Huế) với diện mạo như bây giờ được Vua Gia Long, người lập ra vương triều nhà Nguyễn; cho khởi dựng từ năm 1805, và hoàn thành cơ bản vào năm 1832 dưới thời vua Minh Mạng.
Số lượng các công trình kiến trúc ở trong Kinh thành (vẫn được gọi là Thành nội) và khu vực lân cận có tới hàng trăm, nhưng không phải được xây cùng thời kỳ xây dựng Kinh thành, mà trải qua suốt 143 năm của triều đại phong kiến cuối cùng này. Trong lịch sử Kinh thành, có nhiều công trình được xây dựng bổ sung ở các đời vua sau, nhiều công trình được tu sửa, thay đổi; cũng có những công trình bị triệt giải - thay thế; hay bị phá hủy bởi thiên tai và chiến tranh…
Các công trình ở Kinh thành dù tồn tại hay đã mất, đều mang một cái tên. Mỗi cái tên là một phần linh hồn của kiến trúc đó. Kiến trúc có thể không còn, nhưng cái tên mãi còn. Trong số hàng trăm công trình ấy, có những cái tên thật đẹp, biểu hiện khát vọng hòa bình, thái bình.
Các công trình như: Điện Thái Hòa (tên chữ: Thái Hòa Điện), Lầu Thái Bình (tên chữ: Thái Bình Lâu), Lầu Tứ Phương Vô Sự (tên chữ: Tứ Phương Vô Sự Lâu), Cửa Hòa Bình (tên chữ: Hòa Bình Môn), Cửa An Hòa, Đình Nghênh Lương (tên chữ: Nghênh Lương Đình)… đều là những “Kiến trúc hòa bình” ở Kinh thành Huế.
Phải chăng sau mấy trăm năm chia cắt, loạn lạc, binh lửa của đất nước; qua bao đau thương trong cả nội chiến và ngoại xâm; vua Gia Long - người thống nhất đất nước, đã thực sự khát vọng và mong mỏi sự thanh bình cho đất nước và chuyển những khát vọng ấy vào những cái tên? Và những đời vua sau nối tiếp đặt tên cho những công trình kiến trúc theo tinh thần ấy. Những “kiến trúc hòa bình” nằm trong cả khu vực Kinh thành, Hoàng thành và Tử Cấm thành cũng như phía ngoài thành, và cũng khá đa dạng về thể loại, được xây dựng, tu bổ qua nhiều thời kỳ.
Những “Kiến trúc hòa bình” ở Kinh thành Huế đều là những kiến trúc đẹp và mang giá trị, tư tưởng nhân văn cao. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, cùng thiên tai, chiến tranh; đa phần những kiến trúc này vẫn may mắn tồn tại. Có phải chính những khát vọng hòa bình đã tạo nên sự bền vững muôn đời?.
Điện Thái Hòa nhìn từ sân Đại triều |
Nội thất điện Thái Hòa với tấm hoành phi đề ba chữ “Thái Hòa Điện”, bên trong là nơi đặt ngai vàng của nhà vua |
Thái Bình Lâu trong Tử Cấm Thành (mặt trước) |
Mặt sau Thái Bình Lâu |
Lầu Tứ Phương Vô Sự phía sau Hoàng thành nhìn từ trên nền Bắc Khuyết Đài (công trình được phục dựng, hoàn thành năm 2010) |
Cửa Hòa Bình - cửa phía sau (phía bắc) của Hoàng thành |
Lầu Tứ Phương Vô Sự và Cửa Hòa Bình nhìn từ phía Tử Cấm Thành (bên trong Hoàng thành) |
Cửa An Hòa (Tây Bắc Môn), một trong hai cửa phía sau Kinh thành, nhìn từ phía ngoài thành |
|
Cửa An Hòa nhìn từ bên trong thành |
Nghinh Lương Đình bên bờ sông Hương trước Kinh thành – nhìn từ phía Tây Bắc |
Nghinh Lương Đình nhìn từ sông Hương phía nam Kinh thành |