Tối 4/10, tại đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc - Hà Nội), Diễn đàn Hát văn Việt Nam phối hợp với Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu chầu văn với chủ đề “ Chầu văn dòng chảy âm nhạc tín ngưỡng người Việt". Đây là một trong các hoạt động chào mừng 60 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2014).
dsc_4979_nsxo.jpg
Chầu văn hay còn gọi là hát văn, hát bóng có xuất xứ từ vùng Đồng bằng Bắc bộ vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, là một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền của Việt Nam. Trong đó, nghi lễ hầu đồng (lên đồng) là tiết mục được nhiều người chú ý nhất. Để có buổi giao lưu chầu văn BTC phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng với nhiều nghi lễ. 
Một phụ đồng đang chuẩn bị cho buổi lễ hầu đồng
 
Trong nghi lễ hầu đồng có rất nhiều giá. Ở mỗi giá, thanh đồng (là người biểu diễn trong buổi lên đồng - đệ tử thánh) sẽ thay một loại trang phục riêng.
Đi cùng mỗi loại trang phục là những phụ kiện trang sức khác nhau để phù hợp với giá hầu.
Ngoài ra, để phụ họa, hát cho thanh đồng còn có cung văn. Cung văn sẽ ngồi ở phía dưới tay phải hoặc trái  trong khi thanh đồng ngồi trước bàn thờ. Mỗi cung văn sẽ gồm 3 - 5 người.
Khi hầu đồng, mỗi lần thay giá, người ta lại phủ lên thanh đồng một tấm khăn lụa đỏ, sau đó bỏ ra
 
Trong nghi lễ hầu đồng, các phụ đồng là những người trợ giúp thay trang phục, khăn chầu, cờ quạt, đồ hầu dâng... sao cho tương xứng với giá. Phụ đồng cũng là người lo các lễ vật dâng cúng và ban phát lộc cho người đến dự lễ.

Theo anh Hoàng Tiến Hưng, có hơn 20 năm đi hầu đồng cho biết, người hầu đồng cũng như những diễn viên, khi hầu vào giá nào, nhân vật nào phải hóa trang, nét mặt phải biểu cảm sao cho toát lên được thần thái của nhân vật đó.
Chính vì vậy, trong mỗi buổi lễ hầu đồng, thanh đồng có lúc hóa thân thành một vị tướng hoặc một quan lớn uy nghiêm oai vệ...
.... có khi lại hóa thân thành một cô gái tung tăng nhảy múa.

Trong nghi lễ hầu đồng thì điều đặc sắc nhất là lúc "thánh" sẽ ban lộc cho những người tới dự lễ. Lộc "thánh" ở đây có thể là tiền, hoa quả hoặc lửa...
Cứ như vậy, bằng cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với các lời văn trau chuốt, nghiêm trang và sự điêu luyện của các "diễn viên" khán giả đã được trực tiếp xem các tiết mục hầu đồng và qua đó hiểu thêm những kiến thức cơ bản về loại hình nghệ thuật truyền thống này. Qua đó cũng để tránh tình trạng mọi người hiểu sai gây ra việc mê tín dị đoan.

Hiện nay, các cơ quan chức năng cũng đang lập hồ sơ tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại vào năm 2015.