Ngã ba Đồng Lộc thuộc địa phận xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh qua dãy Trường Sơn, là giao điểm của quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 của Hà Tĩnh.

Vào những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, mọi con đường từ Bắc vào Nam đều phải đi qua nơi đây. Ngã ba Đồng Lộc có diện tích khoảng 50ha nằm gọn trong một thung lũng hình tam giác, hai bên là đồi núi trọc, giữa là con đường độc đạo. Do địa hình như vậy nên khi bom đạn của địch trút xuống phía nào, đất đá cũng lăn xuống đường cản trở giao thông.

DongLoc-(01).jpg

Đồng Lộc, ngã ba huyền thoại nay là một không gian tưởng niệm linh thiêng

Chính vì sự hiểm yếu và quan trọng đó mà không quân Mỹ liên tục đánh phá Đồng Lộc nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông của quân dân ta hướng về chiến trường miền Nam. Nơi này đã đã được mệnh danh là “tọa độ chết”. Người ta đã thống kê rằng, mỗi mét vuông đất nơi đây đã gánh 3 quả bom tấn. Chỉ tính riêng 240 ngày đêm từ tháng 3 đến tháng 10/1968, không quân địch đã trút xuống đây 48.600 quả bom các loại.

Để giữ vững huyết mạch giao thông, quân dân ta cũng huy động tối đa mọi nguồn lực bảo vệ Ngã ba Đồng Lộc, lúc cao điểm ở nơi này có tới 1,6 vạn người - chủ yếu là bộ đội pháo binh và lực lượng TNXP phá bom, mở đường.

Trưa ngày 24/7/1968, Tiểu đội 4 TNXP (thuộc Đại đội 2, Tổng đội TNXP 55 của tỉnh Hà Tĩnh) gồm 10 cô gái được giao nhiệm vụ san lấp hố bom và sửa đường thông xe sau đợt thả bom của máy bay địch. Tới khoảng 17h ngày 24/7/1968, trận bom thứ 15 dội xuống Đồng Lộc, một quả bom rơi trúng cửa hầm nơi các cô trú ẩn. Tất cả tiểu đội nữ thanh niên xung phong đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, chưa ai trong số họ lập gia đình.

10 cô gái Đồng Lộc đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng và Ngã ba Đồng Lộc được công nhận là di tích lịch sử. Hơn thế, Ngã ba Đồng Lộc cùng 10 cô gái đã trở thành huyền thoại trong lòng người, là khúc tráng ca bất tử của tuổi trẻ trong cuộc chiến tranh giải phóng, thống nhất đất nước.

Ngày nay, Ngã ba Đồng Lộc là một quần thể di tích gồm nhiều hạng mục. Bên cạnh khu mộ của 10 cô gái anh hùng, còn có nhà bia tuởng niệm TNXP toàn quốc, nhà trưng bày truyền thống, tượng đài chiến thắng… Mỗi ngày có hàng trăm lượt người tới Đồng Lộc thắp hương, thăm viếng. Vào những ngày lễ Tết có tới hàng ngàn lượt người. Ngã ba Đồng Lộc – ngã ba huyền thoại trở thành một điểm hành hương tâm linh, một không gian tưởng niệm linh thiêng!.

Khu mộ của 10 cô gái TNXP, hy sinh ngày 24/7/1968

Hố bom nơi 10 cô gái hy sinh, được phục dựng bên cạnh khu mộ

Trước tấm bia “Tổ Quốc ghi công” chung cho tiểu đội nữ TNXP

10 cô gái đã sống, chiến đấu cùng nhau và giờ yên nghỉ bên nhau. Họ là những đóa hoa bất tử.

Nơi này luôn ngát khói hương. Mỗi ngày có hàng trăm lượt người từ khắp mọi miền tới viếng, tri ân những người anh hùng đã hy sinh vì Tổ Quốc   

Tất cả ra đi khi còn rất trẻ - từ người chị cả - Tiểu đội trưởng Võ Thị Tần khi hy sinh mới 24 tuổi…còn người em út của tiểu đội – đội viên Võ Thị Hà hy sinh ở tuổi 17.

Nón, khăn tay, dầu gió, gương… và không thể thiếu bồ kết gội đầu– là những thứ mọi người thắp hương trên mộ 10 cô gái.

Tấm bia đá khắc bài thơ “Lời thỉnh cầu ở Nghĩa trang Đồng Lộc” của nhà thơ Vương Trọng. Bài thơ được viết năm 1995 khi nhà thơ tới thăm Đồng Lộc, với lời ước nguyện có một cây bồ kết cho các chị gội đầu. Giờ đây ngay sau tấm bia là cây bồ kết.

Bên cạnh khu mộ của 10 cô gái Đồng Lộc là Nhà bia tưởng niệm Liệt sỹ TNXP toàn quốc

Những tên và tên trên bảng đá. Lực lượng TNXP đã chiến đấu và hy sinh, cống hiến lớn lao trong hai cuộc kháng chiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Tượng đài chiến thắng ở Ngã ba Đồng Lộc

Tuổi trẻ hôm nay mãi ghi ơn và nối tiếp truyền thống của các thế hệ TNXP thuở trước

Ngã ba Đồng Lộc bây giờ, bình yên với màu xanh của cuộc sống mới; là địa danh huyền thoại, nơi ghi dấu tội ác chiến tranh và là bản hùng ca bất diệt của lòng yêu nước và tinh thần bất khuất