Từ sáng sớm ngày mùng 10 tháng Giêng Giáp Ngọ (9/2/2014) hàng ngàn bà con dân tộc Mông ở San Sả Hồ ở huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai) mặc quần áo đẹp đi bộ hay đi xe máy từ bản trên đến xóm dưới cùng bà con vùng lân cận và khách du lịch đang thăm thị trấn Sa Pa náo nức rủ nhau đi hội Gầu Tào tổ chức ở trung tâm xã San Sả Hồ trong nắng xuân rực rỡ để cầu an, may mắn…

Ông Giàng Seo Gà, một người tích cực nghiên cứu văn hóa truyền thống của dân tộc Mông ở huyện Sa Pa cho biết, hội xuân Gầu Tào là lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Mông từ ngàn đời nay và có nơi còn gọi đó là hội xuân Sải Sán, hội xuân chơi núi... Năm nào cũng vậy, lễ hội Gầu Tào thu hút rất đông dân địa phương và du khách tới dự lễ hội.

Sau phần nghi lễ khai hội Gầu Tào theo phong tục cổ truyền của người dân tộc Mông của già làng cao tuổi và đại diện chính quyền xã San Sả Hồ là các tiết mục văn nghệ do con em đồng bào địa phương biểu diễn với nội dung mừng Đảng, mừng xuân mới Giáp Ngọ 2014.

Tiếp đó là các môn thi đấu thể thao truyền thống và trò chơi dân gian như: bịt mắt bắt dê, đẩy gậy, đi cầu tre một cây, kéo co, leo núi... đã thu hút nhiều người thi đấu và cổ vũ.

Quá trưa khi nắng vàng rực rỡ hiện ra sau màn sương lạnh của núi cao, lễ hội Gầu Tào mới kết thúc trong niềm vui lưu luyến của bà con dân bản và du khách.

Hội xuân Gầu Tào là nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người Mông Tây Bắc mỗi khi tết đến, xuân về. Hội xuân Gầu Tào cùng các lễ hội mùa xuân khác đang là sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách xa gần tới thăm vùng du lịch Sa Pa trong những năm gần đây./.

Quang cảnh lễ hội Gầu Tào

Trò chơi bịt mắt bắt dê luôn thu hút khán giả
Vũ điệu khèn Mông
Rất nhiều du khách nước ngoài tới tham dự lễ hội
Trò chơi dân gian kéo co
Trò chơi đu quay 
Nhảy bao bố
Thi leo cột mỡ
Vẻ ngộ nghĩnh của trẻ em vùng cao Sa Pa khi xem lễ hội
Tình ca Tây Bắc
Cuộc thi múa khèn của các chàng trai Mông