Thật mừng khi ở một góc phố nhỏ nào đó của Hà Nội vẫn có những người thợ cần mẫn  lưu giữ những bí quyết làm nên những món đồ chơi cổ truyền độc đáo như mặt nạ giấy, tàu thủy sắt tây, đầu lân sư tử… Nhờ thế, hằng năm vào dịp Trung Thu, đồ chơi truyền thống sẽ không bị lấn át hoàn toàn bởi đồ chơi ngoại nhập, trong đó không ít đồ chơi có chất độc hại, thiếu tính giáo dục. Những góc đồ chơi truyền thống sẽ thắp sáng những giấc mơ cổ tích cho các cô bé, cậu bé để các em biết thêm về những nét tinh hoa của thế hệ trước.

Mặc dù những người đang giữ nghề làm đồ chơi truyền thống không nhiều, nhưng sự miệt mài của họ cũng góp phần lưu giữ nét tinh hoa cho Hà Nội khi Trung thu đang đến gần.

Tại căn gác nhỏ của hai vợ chồng ông Hòa (62 tuổi) ở số 73 Hàng Than rực rỡ sắc màu của đồ chơi truyền thống. Hai vợ chồng ông Hòa đã làm mặt nạ được hơn 30 năm. Thời bao cấp, hai vợ chồng ông Hòa vừa đi làm nhà nước vừa làm nghề. Nay cả hai đã về hưu nên chỉ chuyên tâm làm mặt nạ quanh năm. Nhà ông Hoà làm mặt nạ thuần tuý theo lối thủ công truyền thống. Vì thế hàng nghìn chiếc mặt nạ làm ra không cái nào giống cái nào. Ông bảo: "Chừng nào còn sức khỏe thì tôi vẫn còn làm mặt nạ giấy". Nhưng các con không ai theo nghề và cũng chưa có ai theo học nghề của hai vợ chồng ông.

Còn ông Hùng (nhà số 30, ngõ 29/68 Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội), con trai của một nghệ nhân làm tàu thuỷ sắt tây, người nối nghiệp cha và là người thợ cuối cùng ở làng Khương Hạ còn làm nghề này.

Ông Hùng làm quanh năm cung cấp cho các cửa hàng bán đồ lưu niệm cho người nước ngoài ở phố cổ và bán vào dịp Trung thu. Nhờ làm nghề này mà gia đình ông Hùng rất khá giả vì có nhiều khách nước ngoài mua tàu thuỷ bằng sắt tây nên hàng bán rất chạy. Hàng ông xuất khẩu sang cả Trung Quốc.

Tại số nhà 14, ngách 31, ngõ 105 Thụy Khê (Ba Đình, Hà Nội), ông Doãn Hải, người con trai kế nghiệp duy nhất của nghệ nhân Doãn Đại, còn làm đầu lân sư tử, đầu rồng truyền thống và bày bán tại 22A Phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Kế tục bí quyết làm đầu lân của bố, ông Hải còn nghiên cứu thay đổi vật liệu mới để đầu lân bền hơn và nhẹ hơn, phù hợp với người dùng và có thể làm số lượng lớn.

Dưới đây là một số hình ảnh làm nghề dịp Trung thu đang đến gần: 

IMG_0056.jpg