“Photo voice” (Tiếng nói qua ảnh) là dự án trong khuôn khổ Chương trình toàn cầu “Quyền của em, tiếng nói của em” do tổ chức Oxfam cùng với Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) đang thực hiện với trẻ em các dân tộc thiểu số tại Ninh Thuận, Đắk Nông và Lào Cai.
Nhiều em nhỏ tuy lần đầu được cầm máy ảnh, song đã kể lại những câu chuyện chân thực, sống động về những gì đang diễn ra xung quanh các em. Các em được bày tỏ cảm xúc, cũng như nói lên mong muốn của bản thân và bạn bè thông qua những bức ảnh do chính các em chụp; điều này giúp các em trang bị các kỹ năng cho riêng mình trong ứng xử với gia đình, bạn bè, xã hội, thiên nhiên…
Hoạt động này cũng nhằm thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em, mà Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Quyền trẻ em vào ngày 20/2/1990, bao gồm quyền tham gia và quyền phát triển và tiếp cận giáo dục có chất lượng của trẻ em.
Các bức ảnh và câu chuyện của các em thuộc ba tỉnh này sẽ được lựa chọn để tham gia một cuộc triển lãm được tổ chức tại Hà Nội, dự kiến vào tháng 6/2014.
Phóng viên VOV online giới thiệu một số bức ảnh của các em nhỏ dân tộc Raglai ở huyện Bắc Ái, tỉnh Ninh Thuận kể về những người phụ nữ sống gần gũi với các em./.
Bức ảnh của em Pi Năng Thị Nhận, học sinh lớp 8, chụp bà Ka Tơr Thị Sính, 58 tuổi ở buôn Ma Ty, xã Phước Tân, huyện Bắc Ái. Bà đang hát sử thi của người Raglai. Em Pi Năng Thị Nhận cho biết, bà đã đi hát sử thi ở nhiều nơi trong tỉnh, nhiều lần được “lên TV” và em muốn lưu giữ hình ảnh của bà cũng như những câu câu chuyện bà kể bởi đây là một nét văn hóa của người Raglai. Qua bức ảnh, em mong muốn các bạn thiếu nhi gần xa sẽ biết thêm về nét văn hóa của dân tộc mình. |
Bức ảnh của em Pi Năng Thị Mửng là câu chuyện kể về bà Pi Năng Thị Piếc, 50 tuổi ở buôn Ma Ty, xã Phước Tân, huyện Bắc Ái. Bà Piếc bị câm nhưng bà vẫn có thể lên rẫy bẻ bắp, chặt chuối cho heo ăn và làm cơm cho cả gia đình. Gia đình bà có 7 người, chồng bà đã mất cách đây khoảng 3 năm. Ngôn ngữ giao tiếp của bà là dùng tay và bà luôn hòa đồng với dân làng, trẻ em đến người già ai cũng quý mến bà. “Qua bức ảnh này, em muốn xã hội hãy quan tâm hơn tới người khuyết tật. Người già mà lại bị câm như bà Piếc nếu làm việc nhiều sẽ sinh ra bệnh tật” – Pi Năng Thị Mửng nói. |
Với bức ảnh này, em Chamaléa Thị Leo muốn kể câu chuyện về bà Chamaléa Thị Năm, 60 tuổi. Trong ảnh, bà đang làm món canh. Ở nhà, bà là trụ cột gia đình, vì chồng bà mới mất, các con đi lấy chồng, lấy vợ hết nên bà ở một mình. Công việc chính của bà là làm bắp cho thu nhập khoảng 7 triệu đồng một năm. “Em muốn mọi người giúp đỡ bà Năm nhiều hơn để bà sống mạnh khỏe” – em Chamaléa Thị Leo chia sẻ. |
“Nhiếp ảnh nhí” Pi Năng Thị Đào cho biết, trong ảnh là bà Pi Năng Thị Sinh, 79 tuổi ở buôn Ma Ty, xã Phước Tân, huyện Bắc Ái. Bà đang phơi khoai mì (sắn). Khi phơi khô, bà sẽ cất đi để khi không còn gạo ăn, gia đình bà sẽ ăn khoai mì. Pi Năng Thị Đào chia sẻ, em thường xuyên qua nhà bà, giúp bà những công việc lặt vặt trong nhà để mong bà mãi khỏe mạnh. |
Pi Năng Thị Hậu, học sinh lớp 8, đã chụp bức ảnh bác Pi Năng Thị Quy, 42 tuổi ở buôn Đá Trắng, xã Phước Tân. Trong ảnh, bác Quy đang bóc bắp tại nhà sàn trong rẫy vào buổi sáng. Bác đã mất chồng nhưng đã nuôi 2 con ăn học và trưởng thành. Anh con trai bác đang làm giáo viên trường THCS Nguyễn Văn Linh (huyện Bắc Ái). Pi Năng Thị Hậu viết: “Qua bức ảnh này, em muốn chia sẻ với mọi người về công việc nặng nhọc của bác Quy và tình thương của người mẹ đối với con cái. Em mong các bạn hãy cố gắng giúp đỡ bố mẹ được nhiều việc hơn và cha mẹ hãy động viên nhiều hơn tới con cái của mình”. |
Em Chamaléa Nhưng, tác giả bức ảnh này cho biết: Em chụp cô em đang làm giỏ cho gà đẻ trứng. Ngoài công việc làm rẫy, mỗi ngày cô làm được 5 chiếc giỏ như thế. Chồng của cô hay uống rượu nên ít giúp cô việc nhà, thậm chí còn đánh mắng cô. Một lần, cô bị ốm và phải nằm viện, lúc đó gia đình không có tiền nên chồng cô phải đi vay mượn khắp nơi. Khi chăm vợ, chồng cô hiểu được rằng, uống rượu và bạo lực gia đình là không nên chút nào. |
Các “nhiếp ảnh nhí” người Raglai tham gia triển lãm tại địa phương. Các em cho biết, mong muốn sau này trở thành những tay máy chuyên nghiệp để kể được nhiều hơn những câu chuyện buôn làng với bạn bè khắp nơi, có em muốn trở thành phóng viên để góp tiếng nói phát triển buôn làng sánh kịp miền xuôi. |