Hội nghị được kết nối trực tuyến với Trung tâm xúc tiến thương mại các tỉnh Gia Lai, Phú Thọ, Hà Tĩnh, Long An và thành phố Đà Nẵng…

Tại hội nghị, các doanh nghiệp, đơn vị, các tổ chức xúc tiến thương mại trong nước được kết nối trực tuyến với Tham tán, tổ chức xúc tiến thương mại của Việt Nam tại các thị trường mục tiêu, giàu tiềm năng như: Nga, Thụy Điển; Pakistan, Trung Quốc; được cung cấp những thông tin cần thiết về tình hình, nhu cầu, thuận lợi cũng như điều kiện để xuất khẩu vào thị trường các nước, với các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu như chè, quế, sắn, đá trắng, sản phẩm gỗ…

Đại diện Thương vụ, tổ chức xúc tiến thương mại Việt Nam ở các nước cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, các doanh nghiệp trong và ngoài nước gặp rất nhiều khó khăn trong xuất khẩu và tìm kiếm thị trường. Do vậy, điều quan trọng là doanh nghiệp Yên Bái nói riêng và Việt Nam nói chung cần chủ động tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác hợp tác và đổi mới công nghệ để nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững cho các sản phẩm của địa phương.

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp đã kết nối trực tiếp với các doanh nghiệp trong nước và các nước như Nga, Trung Quốc, Pakistan… để giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác hợp tác, phát triển thị trường tiêu thụ, từ đó, xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Các doanh nghiệp tỉnh Yên Bái và một số tỉnh như: Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Tuyên Quang… đã trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của mình như: bưởi, tinh dầu quế, chè Suối Giàng, chè đen, sứ cách điện, bột đá CaCO3, mật ong, măng tre Bát Độ, Miến đao Giới Phiên; cá sấy hồ Thác Bà, tinh bột sắn, trà táo mèo; dầu lạc…

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, đây là cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp trong nước tự đánh giá lại khả năng sản xuất của mình để tái cơ cấu sản xuất, lựa chọn phương án, kế hoạch đầu tư sản xuất sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu thị trường các nước nhập khẩu; có phương án liên doanh, liên kết hướng đến mục tiêu giảm dần tỷ trọng sản xuất sản phẩm thô, tăng cường đầu tư sản xuất sản phẩm cuối cùng cho giá trị gia tăng cao và tiết kiệm tài nguyên./.