Hiện nay, tại các chợ trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giá thịt mông, thịt ba chỉ lợn đã lên mức 130.000-140.000 đồng/kg và vẫn có xu hướng tăng trong những ngày tới. Giá thịt tăng do giá lợn hơi tăng, ở mức 70.000 đồng/kg. Điều này khiến nhiều hộ chăn nuôi mong muốn được chăn nuôi lợn trở lại.

Bà Nguyễn Thị Phong ở phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ cho biết: “Giá lợn tăng cao thế này, ai cũng muốn nuôi trở lại. Thế nhưng dịch bệnh chưa hết, chăn nuôi vẫn phải theo hướng dẫn của nhà nước. Không nuôi được lợn thì đành chuyển sang nuôi con khác”.

tai_dan_nlmb.jpg

Yên Bái chỉ tái đàn lợn ở các cơ sở chăn nuôi an toàn. (Ảnh minh họa)

Theo ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện nghiêm các quy định và hướng dẫn trong việc chăn nuôi lợn vào thời điểm này. Cụ thể, chỉ tái đàn đối với các hộ, các cơ sở chăn nuôi lợn áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và tái đàn trong các cơ sở chăn nuôi an toàn chưa xảy ra dịch bệnh. Đối với các hộ, các cơ sở chăn nuôi lợn nhỏ lẻ không áp dụng được chăn nuôi an toàn sinh học thì chuyển hướng sang chăn nuôi các loại vật nuôi khác.

“Đối với các cơ sở bị dịch, dịch đã qua 30 ngày và công bố hết dịch trên địa bàn khi áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, việc tái đàn phải hết sức cẩn trọng và theo từng đợt. Tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở và sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các xét nghiệm đều âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi thì khi đó mới nuôi tái đàn cho đủ quy mô cần nuôi”, ông Nguyễn Văn Khánh nói.

Ông Khánh cũng cho biết thêm, cơ sở chăn nuôi phải định kỳ thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại khu vực chăn nuôi bằng vôi bột hoặc hóa chất; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đối với người, phương tiện ra, vào khu vực chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi; hạn chế người không có nhiệm vụ ra, vào khu vực chăn nuôi; có biện pháp ngăn chặn các loại vật nuôi khác đến. Ngoài ra, tỉnh cũng tăng cường chỉ đạo chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, xây dựng cơ sở, chuỗi cơ sở và vùng an toàn dịch bệnh.

Được biết, dịch bệnh tả lợn Châu Phi đã xuất hiện ở gần 5.000 hộ chăn nuôi tại 500 thôn, bản, trên địa bàn 120 xã, phường, thị trấn ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Yên Bái. Số lợn bị tiêu hủy là trên 26.000 con, với trọng lượng trên 1.180 tấn. Để bù đắp giá trị sản xuất chăn nuôi, tỉnh Yên Bái đã tập trung phát triển tăng thêm 250.000 con gia cầm, với sản lượng 500 tấn, vỗ béo 1.000 con bò, với sản lượng tăng thêm 66 tấn./.