Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 339/QĐ-TTg, về việc phê duyệt chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn 2045 là xây dựng ngành thủy sản thành ngành kinh tế có quy mô và tỷ suất kinh tế lớn, có thương hiệu tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, khả năng cạnh tranh cao và phát triển bền vững.
Tốc độ tăng trưởng của ngành thủy sản đạt 3 -4%/năm. Tổng sản lượng thủy sản đến năm 2030 là 9,8 triệu tấn/năm, trong đó thủy sản nuôi trồng trong nước là 7 triệu tấn/năm, khai thác là 2,8 triệu tấn/năm. Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 14-16 tỷ USD, giải quyết công việc cho 3,5 triệu lao động.
Phát triển công nghiệp chế biến thủy sản quy mô hàng hóa lớn, đóng vai trò trong việc dẫn dắt, thúc đẩy phát triển chuỗi sản xuất thủy sản nâng cao giá trị và bền vững, đưa Việt Nam trở thành một trung tâm chế biến thủy sản toàn cầu. Hình thành các doanh nghiệp, tập đoàn lớn ngang tầm thế giới sản xuất các sản phẩm có thương hiệu và sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Sản xuất, chế biến các sản phẩm thủy sản theo nhu cầu và tín hiệu thị trường.
Tầm nhìn đến năm 2045, thủy sản là ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững có trình độ khoa học tiên tiến, trở thành trung tâm chế biến thủy sản sâu và thuộc nhóm 3 nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản đứng đầu thế giới.
Thực hiện việc phát triển ngành thủy sản bền vững, định hướng trong thời gian tới là ngành thủy sản sẽ tập trung vào việc đầu tư tăng sản lượng nuôi trồng nhiều hơn, giảm sản lượng khai thác, nhằm bảo đảm khai thác phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản, hạn chế rủi ro thiên tai và nhất là chấm dứt tình trạng đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định đang gây thiệt hại về kinh tế và uy tín của ngành thủy sản trong hơn ba năm qua.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp ngành thủy sản và các tỉnh, thành phố ven biển rà soát, xây dựng kế hoạch, chủ động huy động các nguồn vốn từ ngân sách trung ương và địa phương; ưu tiên kinh phí cho phát triển hạ tầng sản xuất thủy sản nhằm hoàn thành các dự án cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền đáp ứng năng lực kiểm tra, kiểm soát hàng qua cảng cá và công suất neo đậu tàu. Thành lập mới, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu bảo tồn biển. Tổ chức quản lý, bảo vệ các khu vực thủy sản tập trung sinh sản, thủy sản còn non sinh sống và đường di cư của các giống loài thủy sản.
Các địa phương chủ động xây dựng các làng cá ven đô, cửa sông, lòng hồ, bãi ngang ven biển, đảo thành các cộng đồng dân cư có cơ cấu nghề khai thác hợp lý, với số lượng lao động chuyên ngành, kiêm nghề phù hợp điều kiện tự nhiên, nguồn lợi thủy sản, đặc điểm kinh tế - xã hội từng vùng./.