Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) trong 7 tháng năm 2013, đạt 2,29 tỷ USD, tăng 111% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam nhập khẩu từ thị trường UAE thời gian này đạt 204 triệu USD.
Theo Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương), hiện nay, UAE đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Tây Á và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 17 của Việt Nam. UAE là thị trường tiêu thụ quan trọng và có nhiều tiềm năng đối với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là điện thoại di động, sản phẩm điện tử và linh kiện, dệt may, giày dép, thủy sản, nông sản, gia vị, thực phẩm, vật liệu xây dựng, rau quả nhiệt đới.
Trao đổi thương mại giữa hai nước phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng mạnh từ 550 triệu USD năm 2008 lên tới 2,38 tỷ USD năm 2012, tăng 82% so với năm 2011.
Năm 2012, lần đầu tiên, xuất khẩu của Việt Nam sang UAE vượt mức 2 tỷ USD, trong khi nhập khẩu từ UAE đạt 303 triệu USD.
Trong 7 tháng năm 2013, xuất khẩu nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện tăng đột biến với kim ngạch đứng vị trí thứ nhất đạt 1,92 tỷ USD, tăng 164,5%, chiếm tỷ trọng 84% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE.
Đứng ở vị trí thứ hai về kim ngạch là nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 96,97 triệu USD, tăng 3,2%; hàng dệt may đã vượt qua mặt hàng hạt tiêu vươn lên vị trí thứ ba, với trị giá đạt 39,2 USD, tăng 25,3%.
Trong 7 tháng năm 2013, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh sang thị trường UAE, cụ thể: mặt hàng gạo đạt 5,69 triệu USD, tăng 102,5%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 42,3%, đạt 8 USD…
Trong thời gian qua, đã có nhiều tập đoàn lớn, có uy tín từ UAE như DP World, Mubadala Petroleum, Dubai Holdings, Limitless, Tamouh, Global Sphere… tỏ quan tâm và tìm kiếm các cơ hội đầ tư tại Việt Nam.
Gần đây, Tập đoàn Hoàng Gia Việt Nam và Công ty Global Shere của UAE đang xem xét khả năng ký Hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng Trung tâm Tài chính Hà Nội (Phố Wall Hà Nội) với tổng vốn đầu tư lên tới 30 tỷ USD.
Trong khi đó, tại Dubai, qua các chuyến khảo sát, tham dự hội chợ triển lãm, một số doanh nghiệp Việt Nam đang triển khai kế hoạch mở một Tổng kho hàng xuất khẩu Việt Nam, làm nơi tập kết và trung chuyển hàng hóa vào thị trường Dubai và sang các nước xung quanh.
Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương) cho rằng, Việt Nam là nước có lợi thế về sản xuất nông nghiệp, chế biến thực phẩm, nuôi trồng đánh bắt thủy sản, vì vậy hoàn toàn có thể hợp tác một cách hiệu quả với UAE trong việc đảm bảo an ninh lương thực.
Việt Nam hiện đang giữ vị trí đứng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê, hạt điều, hạt tiêu và giữ vị trí thứ hai trên thế giới về xuất khẩu gạo. Việt Nam hoàn toàn có thể cung cấp cho thị trường UAE các sản phẩm như gạo, cá, thịt, cà phê, trà, là các loại thực phẩm và đồ uống truyền thống và được ưa chuộng tại UAE.
Ngoài ra, UAE cũng có thể giữ vai trò là cửa ngõ quan trọng để hàng Việt Nam vào các thị trường khác như các nước GCC, Trung Đông và Bắc Phi.