Trung Đông là khu vực nổi tiếng với các quốc gia có trữ lượng dầu mỏ khổng lồ, đời sống cao... đang được xem là thị trường trọng điểm, đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác và làm ăn lâu dài.
Theo ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á, quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam- Trung Đông có những thuận lợi. Việt Nam đã tạo dựng được khuôn khổ pháp lý làm cơ sở cho việc phát triển và tăng cường quan hệ hợp tác với các nước khu vực Trung Đông; đã ký các Hiệp định hợp tác về kinh tế, thương mại, văn hóa, khoa học kỹ thuật, khuyến khích và bảo hộ đầu tư... với nhiều nước trong khu vực; đã thiết lập được mạng lưới thương vụ khá mạnh tại Trung Đông... Khu vực Trung Đông có nhu cầu rất lớn và đa dạng về chủng loại hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu dùng, trong khi đó nền sản xuất tại đây lại chưa phát triển do thiếu nguyên liệu đầu vào và lực lượng lao động tại chỗ không đáp ứng đủ nhu cầu.
Đề án “Thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Trung Đông giai đoạn 2008- 2015” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ Công Thương cũng đã xây dựng chương trình hành động đẩy mạnh quan hệ với Trung Đông đến năm 2015. Đây là những bước đột phá quan trọng trong quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Trung Đông.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước Trung Đông trong năm 2011 đạt hơn 2,5 tỷ USD, tăng 54% so với năm 2010.
Những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam gồm hải sản, sợi, điện thoại di động, dệt may, giày dép, hàng nông sản (gạo, hạt tiêu, hạt điều, cà phê), sữa và sản phẩm sữa, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, cao su, sản phẩm gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ,… Các đối tác thương mại lớn nhất tại Trung Đông là Các tiểu vương quốc A rập Thống nhất (UAE), Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Iraq, Iran.
Xét theo thứ tự các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn, điện thoại di động và linh kiện là mặt hàng đứng đầu, với kim ngạch đạt xấp xỉ 568 triệu USD và chiếm 22% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Đây cũng là mặt hàng đạt mức tăng trưởng nhanh chóng, trong năm 2010 đạt giá trị xuất khẩu 134,5 triệu USD và đứng vị trí thứ 5 trong số các mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất, năm 2011 đạt xấp xỉ 568 triệu USD (tăng 322% và gấp hơn 4 lần giá trị so với năm 2010).
Tuy nhiên theo đánh giá của Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á: Nếu chỉ xét đơn thuần về giá trị xuất khẩu của điện thoại di động và linh kiện chưa thể khẳng định được sự lớn mạnh của ngành điện thoại di động mang thương hiệu Việt Nam. Bởi, mặt hàng này tuy được coi là có hàm lượng chất xám cao và đạt mức tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng nhưng chủ yếu do một vài hãng nước ngoài đầu tư nhà máy tại Việt Nam sản xuất và thực hiện xuất khẩu, trong đó nhãn hiệu Samsung chiếm thị phần lớn nhất.
Mặt hàng xuất khẩu có giá trị lớn thứ hai vào khu vực Trung Đông là sản phẩm sợi các loại, đạt hơn 278 triệu USD và chiếm 11% tổng kim ngạch các mặt hàng xuất khẩu. Mặt hàng này có mức tăng trưởng nhanh, trong năm 2010 đạt trị giá 137,5 triệu USD và đứng ở vị trí thứ tư, năm 2011 tăng 102% và vượt lên đứng vị trí thứ hai trong danh sách các mặt hàng xuất khẩu đạt giá trị cao nhất. Thổ Nhĩ Kỳ hiện là một trong những nhà sản xuất và cung cấp hàng may mặc lớn nhất cho châu Âu và có nhu cầu rất lớn về nhập khẩu nguyên liệu đầu vào. Vì vậy, trong thời gian tới, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục là thị trường có nhiều triển vọng đối với mặt hàng sợi xuất khẩu của Việt Nam.
Đứng ở vị trí thứ ba là mặt hàng hải sản, với kim ngạch đạt khoảng 229,3 triệu USD, chiếm 9% tổng kim ngạch hàng xuất khẩu của cả khu vực. Mặt hàng này có mức tăng trưởng 41% so với năm 2010. Do mặt hàng điện thoại di động và linh kiện, sản phẩm sợi các loại có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong hai năm gần đây nên mặt hàng thủy sản, mặc dù vẫn đạt mức tăng trưởng cao, đã chuyển từ vị trí thứ nhất trong năm 2010 sang vị trí thứ ba trong bảng thống kê năm 2011. Mặt hàng này chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường như Saudi Arabia (30%), UAE (20%), Iraq (13%), Iran (5%).
Tiếp đến là các mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt gần 170 triệu USD, tăng 72% so với kim ngạch năm 2010 và sản phẩm vải các loại đạt 144,8 triệu USD.
Đáng chú ý, mặt hàng sữa và sản phẩm sữa có mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2011, đạt 122,6 triệu USD và tăng gấp 4 lần so với năm 2010.
Các mặt hàng xuất khẩu đạt trị giá tương đối lớn khác là hạt tiêu (95,2 triệu USD), sản phẩm dệt may (76,6 triệu USD), giày dép các loại (74,9 triệu USD), sắt thép các loại (65,9 triệu USD).
Riêng mặt hàng gạo đã có sự sụt giảm mạnh tới 60% so với năm 2010, từ vị trí thứ hai tụt xuống vị trí thứ 12, xét về trị giá tuyệt đối giảm từ khoảng 150 triệu USD trong năm 2010 xuống còn 60,1 triệu USD trong năm 2011. Nguyên nhân chủ yếu là do gạo Việt Nam chịu sự cạnh tranh gay gắt từ một số nước như Ấn Độ, Pakistan, Campuchia, Myanmar. Mặc dù có nhiều thuận lợi về giá cả và sản lượng, song xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng đứng trước không ít thách thức, đặc biệt là vấn đề thương hiệu và chất lượng. Trong năm 2012, mặt hàng gạo sẽ vẫn được chú trọng đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước khu vực và thế giới.
Nhìn chung, các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Đông trong năm 2011 đạt mức tăng trưởng cao so với năm 2010. Sang năm 2012, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam và thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tình hình chính trị an ninh tại khu vực Trung Đông tiếp tục có những diễn biến khó lường, sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực nhất định tới xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này. Tuy nhiên, với những lợi thế cạnh tranh có sẵn như chi phí sản xuất thấp, điều kiện sản xuất, nuôi trồng thuận lợi, sự năng động của các doanh nghiệp và sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước cùng với các tổ chức hiệp hội ngành hàng, xúc tiến thương mại, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì được kim ngạch xuất khẩu cao sang khu vực Trung Đông./.