Năm 2009, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ dự báo chỉ tăng khoảng 14% so với năm 2008. Nguyên nhân là cuộc khủng hoảng tài chính của Mỹ khiến người dân thắt chặt chi tiêu. Ngoài ra, một số chính sách, qui định mới của Mỹ như “Đạo luật về thức ăn, bảo tồn và năng lượng năm 2008” tác động nhiều tới  hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam, trong đó đặc biệt là 2 mặt hàng đồ gỗ và thủy sản.

Mới đây, Cục Dự trữ Liên bang của Mỹ quyết định hạ lãi suất 0,75% xuống mức 0,25% cũng tác động đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam. Bởi vì, với lãi suất như vậy, giá hàng hóa một số thị trường lớn như Nhật, châu Âu sẽ giảm thêm nữa, tạo ra cuộc cạnh tranh gay gắt đối với hàng nhập khẩu, trong đó có hàng của Việt Nam.

Trong bối cảnh xuất khẩu sang Mỹ đang khó khăn, ông Lê Quốc Hùng, Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco, Mỹ đưa ra một số khuyến nghị: các doanh nghiệp Việt Nam nên đưa hàng hóa thông qua hệ thống siêu thị, và các nhà xuất khẩu Việt Nam cần tạo quan hệ tốt với các nhà phân phối. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cần chọn đúng mặt hàng xuất khẩu, trong đó chú ý đến nhóm mặt hàng có lợi thế như: nông, lâm, thủy, hải sản. Năm 2009, Mỹ có thể trao quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) cho Việt Nam, các mặt hàng nhựa, nông sản, thủy sản… được hưởng mức thuế từ 0 đến 5%. Đây là một lợi thế lớn để các doanh nghiệp tăng kim ngạch xuất khẩu. Hiện, Mỹ chiếm hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Vì thế, Chính phủ, các cơ quan chức năng sớm đưa ra những đối sách kịp thời, định hướng và giúp cho các doanh nghiệp, ngành hàng có giải pháp tối ưu, để tăng giá trị xuất khẩu sang thị trường tiềm năng này./.