Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm và thủy sản trong quý I/2015 đạt 6,13 tỷ USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó gạo đạt 440 triệu USD, giảm 32%; cà phê đạt 734 triệu USD, giảm 37,3%; cao su đạt 279 triệu USD, giảm 6,6%; điều, tiêu và thủy sản lần lượt giảm 14,8%, 3% và 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn theo Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (SOFRI), kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước trong quý I/2015 đạt 274 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có nhiều thị trường cao cấp tăng rất mạnh như Hàn Quốc tăng 100%, Singapore tăng 300%, Hong Kong tăng 230%...
“Mặt hàng rau quả vẫn tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng tốt, đặc biệt có một số thị trường cao cấp tăng rất mạnh, đó là tín hiệu vui trong bối cảnh các mặt hàng nông sản khác đều sụt giảm”, ông Lương Ngọc Trung Lập, Trưởng bộ môn Nghiên cứu thị trường thuộc Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (SOFRI) nói.
Cũng theo ông Lập, đối với thị trường Trung Quốc, dù tăng trưởng chỉ 36%, nhưng do đây là thị trường có sức tiêu thụ lớn nên tỉ lệ như vậy cũng là điều khả quan, đặc biệt trong bối cảnh hàng hóa nông sản nói chung và mặt hàng rau quả nói riêng bị ùn tắc nghiêm trọng tại các cửa khẩu tiếp giáp quốc gia này trong thời gian gần đây.
Về nguyên nhân xuất khẩu rau quả tăng mạnh, theo một số doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực này, do nhu cầu tiêu thụ tăng cao ở nhiều thị trường, trong đó có việc Mỹ mở cửa cho một số chủng loại trái cây mới của Việt Nam như nhãn, vải, chôm chôm, thanh long…
Tuy nhiên, theo ông Lập, cũng có một số thị trường tiêu thụ sụt giảm, cho nên bình quân xuất khẩu rau quả trong quí này tăng 13% so với cùng kỳ. Trong khi đó, thống kê của SOFRI, kim ngạch nhập khẩu rau quả trong quí đầu năm nay chỉ đạt 53,3 triệu đô la Mỹ, giảm trên 42% so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, sau khi cân đối giữa kim ngạch xuất và nhập khẩu rau quả trong quý I/2015, xuất khẩu trong nước còn thặng dư một khoản kim ngạch lên đến trên 220 triệu USD.
Theo dự báo của SOFRI, xuất khẩu rau quả trong nước sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh do nhiều chủng loại trái cây ở ĐBSCL chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch, sản lượng tăng nên có khả năng đáp ứng được những đơn hàng nhập khẩu với số lượng lớn hơn của đối tác.
Thống kê của Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit), cho thấy kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2014 cả nước đạt 1,47 tỷ USD, tăng khoảng 500 triệu USD so với năm 2013. Dự báo năm 2015, kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh và sẽ đạt đến 2 tỷ USD./.