Đây là tín hiệu khả quan để kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng trưởng liên tục bước sang năm thứ 10.
Việt Nam có ưu thế về thổ nhưỡng, thời tiết để phát triển và xuất khẩu rau quả. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đã tăng trưởng liên tục trong 9 năm qua (tính từ năm 2004). Năm 2012 so với năm 1997 đã cao gấp 11,7 lần, bình quân 1 năm tăng 17,8%; so với năm 2003 đã cao gấp 5,5 lần, bình quân 1 năm tăng 20,7%.
Nhịp độ tăng đã cao lên trong những năm gần đây, đặc biệt năm 2011 tăng 38,1%, năm 2012 tăng 33,1%- đó là những tốc độ tăng rất cao.
Hai tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu rau quả đã đạt 119 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước- đó là tín hiệu khả quan để kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng trưởng liên tục bước sang năm thứ 10; nếu những tháng còn lại tăng trưởng với tốc độ cao hơn thì chỉ trong năm nay kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ đạt mốc 1 tỷ USD và rau quả sẽ gia nhập “câu lạc bộ” các mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên.
Đạt được kết quả trên do Việt Nam có lợi thế về thổ nhưỡng, thời tiết để phát triển và xuất khẩu rau quả với khối lượng lớn, chủng loại đa dạng, phong phú, nhiều loại rau quả nổi tiếng như nhãn lồng Hưng Yên, xoài, cam, bưởi, vải thiều, chuối ngự, thanh long và một số loại rau, hoa.
Năm 2012, có 13 thị trường nhập khẩu với kim ngạch trên 10 triệu USD rau quả của Việt Nam như CHND Trung Hoa 218,1 triệu USD, Nhật Bản 54,6 triệu USD, Hoa Kỳ 39,9 triệu USD, Nga 28,4 triệu USD, Hàn Quốc 22,6 triệu USD, Thái Lan 20,4 triệu USD…
Kim ngạch nhập khẩu rau quả của Việt Nam cũng còn khá lớn: năm 2010 là 294 triệu USD, năm 2011 là 293,5 triệu USD, năm 2012 là 335 triệu USD, 2 tháng đầu năm 2013 là 51 triệu USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước.
Là nước ở vùng nhiệt đới gió mùa, có điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết thuận lợi để gieo trồng rau hoa quả để có sản lượng lớn đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu. Ngành rau quả tuy đạt được những kết quả tích cực, nhưng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm còn ở mức dưới tiềm năng. Một vấn đề quan trọng là hình thành các vùng tập trung, xác định các quy chuẩn về các mặt, nhất là mặt chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; mặt khác, cần có biện pháp kiềm chế nhập khẩu rau hoa quả, nhất là biện pháp kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm./.