Thời gian gần đây, ở khu vực ĐBSCL đã có nhiều động thái để thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất lúa gạo theo xu hướng sản xuất lớn, năng suất lớn, chất lượng ổn định, gạo xuất khẩu có uy tín thương hiệu. Nhiều tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã quan tâm tiến hành đầu tư xây dựng mô hình sản xuất lớn, kiểm soát chất lượng tốt. Tuy nhiên, đây vẫn là những mô hình đang thử nghiệm và từng bước triển khai trên diện rộng

Tại hội thảo “Tương lai cho ngành lúa gạo Việt Nam” diễn ra sáng nay (11/12) tại Cần Thơ, đã đưa ra dự báo cho thấy đến năm 2022, Việt Nam vẫn tiếp tục là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 trên thế giới. Tuy nhiên, một số nước hiện đang có chính sách đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu gạo sẽ là các đối thủ cạnh tranh trực tiếp như Ấn Độ, Pakistan, Hoa Kỳ.

Trong khi đó, Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo nhưng giá trị mang lại thấp. Lượng gạo xuất khẩu có thương hiệu trên thị trường quốc tế còn chiếm tỷ lệ rất thấp; đồng thời, sản xuất lúa gạo trong nước với tỷ lệ cơ giới hóa thấp và mang tính chất nhỏ lẻ, giống lúa xuất khẩu chưa được kiểm soát.

Ông Dương Quốc Xuân, Phó ban chỉ đạo Tây Nam bộ cho rằng, trong bối cảnh này, việc tổ chức quy hoạch sản xuất lúa gạo trên quy mô vùng, trong đó có những vùng sản xuất lúa đặc chủng, lúa hàng hóa, tổ chức hệ thống thu mua và dự trữ là những nhiệm vụ cần phải thực hiện quyết liệt; đồng thời tập trung xây dựng thương hiệu gạo Quốc gia.

Một tín hiệu đáng mừng cho việc sản xuất và xuất khẩu lúa gạo là tại Hội thảo, Tổng công ty Lương thực Miền Nam và Viện lúa ĐBSCL đã ký kết hợp tác nghiên cứu và sử dụng quyền đối với giống lúa. Qua đó, tạo tiền đề cho việc sản xuất lúa trên cánh đồng lớn với những giống lúa chất lượng cao./.