Theo đó, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã tăng tương đối nhanh qua các thời kỳ. Từ 2003 trở về trước, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chỉ ở mức dưới 1 tỷ USD trong thời gian khá lâu. Bắt đầu từ năm 2004, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm lần đầu tiên đã vượt qua mốc 1 tỷ USD. Nhưng chỉ từ năm 2007, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã vượt qua mốc 2 tỷ USD. Cũng chỉ trong 3 năm, đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã vượt qua mốc 3 tỷ USD.
Trong 9 tháng năm 2012, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3.394 triệu USD (bình quân 1 tháng đạt 377 triệu USD). 2 tháng gần đây đã đạt từ 400 triệu USD trở lên trong 1 tháng. Nếu đạt bằng mức bình quân 9 tháng, thì cả năm 2012, xuất khâu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ đạt 4.524 triệu USD; nếu 3 tháng cuối năm đạt bằng mức bình quân trong 2 tháng qua (405,5 triệu USD), thì cả năm 2012 sẽ đạt khoảng 4.610 triệu USD (tác giả dự báo năm 2012 đạt 4,5- 4,6 tỷ USD là trên cơ sở tính toán này).
Đáng chú ý Việt Nam đã chuyển từ xuất khẩu chủ yếu là gỗ cây, gỗ ván sàn, gỗ xẻ (tức là xuất khẩu thô là chủ yếu), sang xuất khẩu sản phẩm gỗ dân dụng có kỹ thuật, mỹ thật được khách hàng nhiều nước ưa chuộng.
Trong các thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, trong 8 tháng 2012, có 20 nước và vùng lãnh thổ đạt trên 10 triệu USD, trong đó đứng đầu là Hoa Kỳ 1.147 triệu USD, tiếp đến là Trung Quốc 496 triệu USD, Nhật Bản 426 triệu USD, Hàn Quốc 140 triệu USD, Anh 122 triệu USD... Cả nước hiện có khoảng gần 6.500 doanh nghiệp chế biến gỗ, lâm sản, với trên 400.000 lao động, 115.000 tỷ đồng vốn, trên 46.000 tỷ đồng tài sản cố định và đầu tư tài chính, doanh thu thuần hàng năm đạt trên 114.000 tỷ đồng.
Những bất cập cần giải quyết
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của ta hiện cũng còn những hạn chế, bất cập và đứng trước những thách thức không nhỏ. Cụ thể là tỷ trọng diện tích đất lâm nghiệp tuy có gần 15,4 triệu ha, chiếm 46,4% tổng diện tích cả nước, nhưng tổng diện tích có rừng đạt chưa được 13,4 triệu ha. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2010 mới chỉ đạt 39,5% (còn thấp hơn tỷ lệ 42,5% vào năm 1945); ở một số địa phương thấp hơn của cả nước, trong đó đáng lưu ý Điện Biên 36,2%, Bình Phước 13,5%, Tây Ninh 11,4%... Mật độ cây, nhất là cây lấy gỗ còn thấp.
Trong tổng diện tích đất có rừng, rừng tự nhiên chiếm 77%, rừng trồng 23%, trong đó rừng mới trồng (bao gồm rừng trồng mới trong 2 đến 3 năm đầu, chưa đạt tiêu chuẩn rừng và không được tính vào tỷ lệ che phủ rừng), chiếm gần 2,7%. Do vậy, việc nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam còn khá lớn (9 tháng năm 2012, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này đã lên đến 907 triệu USD). Giá nhập khẩu gỗ có xu hướng tăng cao hơn tốc độ tăng của sản phẩm xuất khẩu, làm giảm lãi của người sản xuất. Các cơ sở chế biến xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nhìn chung không đủ lớn, khối lượng còn nhỏ so với yêu cầu nhập khẩu lô lớn của khách hàng.
Yêu cầu mới của thế giới đặt ra về xuất xứ nguyên liệu cũng đòi hỏi các cơ sở chế biến và xuất khẩu đồ gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam phải quan tâm.
Để sản xuất và xuất khẩu đồ gỗ và sản phẩm gỗ bền vững, lâu dài phải làm quyết liệt việc bảo vệ rừng và trồng rừng. Trong khi hàng năm diện tích rừng bị cháy trong cả nước lên đến hàng nghìn ha, trong đó có năm lên tới 6,7- 6,8 nghìn ha, diện tích rừng bị chặt, phá hàng năm cũng lên đến trên dưới 2 nghìn ha. Diện tích rừng trồng hàng năm vẫn còn thấp: bình quân năm trong thời kỳ 2000- 2011 mới đạt 200,9 nghìn ha.../.