Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến ngày 8/11, kết quả xuất khẩu gạo giao hàng từ ngày 1-8/11 đạt 138.570 tấn, trị giá FOB 66,642 triệu USD, trị giá CIF 69,677 triệu USD.
Lũy kế xuất khẩu từ ngày 1/1-8/11 đạt 6,622 triệu tấn, trị giá FOB 2,943 tỷ USD, trị giá CIF 3,017 tỷ USD.
Cũng theo VFA, giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường dao động từ 5.950 – 6.100 đồng/kg, lúa dài khoảng 6.150 – 6.300 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 7.950 – 8.100 đồng/kg tùy từng địa phương, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 7.800 – 7.950 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương.
Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 9.050 – 9.150 đồng/kg, gạo 15% tấm 8.800 – 8.900 đồng/kg và gạo 25% tấm khoảng 8.400 – 8.500 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương.
Trước đó, Bộ Công Thương cho biết, tính chung 10 tháng qua, xét về lượng gạo xuất khẩu đã tăng 55,8% so với cùng kỳ. Đến hết tháng 10, lượng gạo xuất khẩu đã đạt hơn 6,4 triệu tấn, thu về khoảng 2,9 tỷ USD. Dự kiến trong tháng 11 và 12, Việt Nam sẽ tiếp tục xuất khẩu thêm 1,1 triệu tấn gạo theo các hợp đồng đã ký. Như vậy, cả năm hợp đồng xuất khẩu 7,5 triệu tấn gạo. Dự báo, nhiều khả năng năm nay xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ thay thế Thái Lan chiếm vị trí số 1, với sản lượng khoảng 7,5 tấn.
Hiện các thị trường chính của gạo xuất khẩu Việt Nam là Trung Quốc, châu Phi, Philippines, Malaysia, Indonesia, Cuba và Hong Kong (Trung Quốc).
VFA đang tiếp tục hướng dẫn các doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp các loại gạo thơm, nếp, tấm tới các thị trường có hợp đồng tập trung và khuyến cáo không nên chào bán với mức giá thấp; nên tăng mua vào lúa gạo vụ Thu Đông, lúa thơm để xuất khẩu cuối năm.
Bộ Công Thương cũng cho biết sẽ tích cực nâng cao hơn nữa chất lượng các cuộc xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu, thực hiện các biện pháp duy trì đà tăng trưởng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, trong đó có gạo./.