Từ lâu HSBC đã lập luận rằng ngành sản xuất và các ngành phục vụ xuất khẩu của Việt Nam là những điểm sáng trên thị trường mới nổi Châu Á. Lĩnh vực sản xuất tăng trưởng vững mạnh từ tháng 9 năm 2014. Dù lực cầu trên thế giới và Việt Nam còn yếu, chi phí lương khá thấp, chi phí điện và nước cạnh tranh đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.
Kể từ cuộc Khủng hoảng tài chính toàn cầu, Việt Nam vẫn giữ vững tăng trưởng xuất khẩu 2 con số. Phân tích về chỉ số lợi thế so sánh hiện hữu (RCA), thị phần trên toàn cầu, và tỉ lệ tăng trưởng cho thấy Việt Nam đang đi theo mô hình tăng trưởng theo định hướng xuất khẩu truyền thống.
Theo đó, các mặt hàng xuất khẩu ngày càng giảm phụ thuộc vào nguyên liệu thô. Hàng hóa xuất khẩu chỉ đạt giá trị 7 tỉ USD vào năm 1996 nhưng đã nhanh chóng tăng lên đến 132 tỉ USD vào năm 2013. Dự báo xuất khẩu hàng hóa sẽ đạt giá trị 151 tỉ USD vào năm 2014.
HSBC tin thương mại, đặc biệt là các mặt hàng nông nghiệp ngày càng đa dạng và được đầu tư cao cùng sản xuất xuất khẩu, sẽ giúp Việt Nam thoát khỏi những khó khăn của mình. Việt Nam vẫn còn nhiều người ở độ tuổi lao động ở khu vực nông thôn và thành thị để gia nhập lực lượng lao động một cách hiệu quả. Tận dụng mức lương thấp và điều kiện cơ sở hạ tầng đang được cải thiện để thu hút sản xuất cần nhiều vốn đầu tư là cách nhanh nhất để cung cấp việc làm cho lực lượng lao động trẻ, có nhiệt huyết và trình độ. Tỉ lệ tăng nhanh về chỉ số việc làm trong các chỉ số phụ là một trong những chỉ báo đáng mừng nhất cho tương lai của ngành sản xuất Việt Nam và tăng trưởng GDP.
HSBC kỳ vọng sản lượng hàng hóa sẽ tiếp tục tăng vào tháng tới và các đơn đặt hàng mới sau khi đã trừ đi số hàng tồn kho vẫn sẽ là con số dương.
Sự tăng nhanh của xuất khẩu và tăng chậm của nhập khẩu đã giúp cán cân thương mại giữ trạng thái dương trong 3 năm qua. Dự báo năm 2014 sẽ có xuất siêu thương mại 1,8 tỉ USD và trong năm 2015 số xuất siêu sẽ ít hơn, ở mức 0,5 tỉ USD./.