Bên lề kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, ông Trịnh Ngọc Thạch - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) cho biết quan điểm về cách đầu tư xây dựng hiện nay.
PV: Thưa ông trong khi thành phố Hà Nội đang rất thiếu nhà vệ sinh công cộng, vậy tại sao không làm những nhà vệ sinh cho dân với chi phí vừa phải?
Ông Trịnh Ngọc Thạch:Tôi thấy quan điểm về dân sinh trong đầu tư của chúng ta rất không hiệu quả. Những thứ dân sinh đời thường nhưng lại không được chú ý, ví dụ như nhà vệ sinh công cộng luôn thiếu. Thứ hai, đường đi cho người khuyết tật cũng không có, cái này nước ngoài làm rât tốt và tôi thấy TPHCM cũng đã làm được, nhưng ở Hà Nội không có. Ta cứ làm những công trình hoành tráng, nhưng việc nhỏ, yêu cầu nhỏ như lối đi cho người khuyết tật lại không có.
PV:
Ông Trịnh Ngọc Thạch:Tôi sợ họ làm những công trình đó không phải vì dân mà vì chính quyền lợi của họ. Nhiều người nói rất hay, đó là lợi ích nhóm. Làm công trình đó người phải được cái gì, rồi kế đến mới là dân được cái gì. Ta thì tính lợi ích cho người làm trước còn dân được hưởng thế nào lại không tính.
PV:Ôngđánh giá thế nào về chi phí này?
Ông Trịnh Ngọc Thạch:Tôi không biết rõ là dự án này sẽ được làm như thế nào nhưng nếu tính như vậy thì hơi quá mức. Vì công năng hiệu quả thực của nhà vệ sinh chắc không đến thế, nhưng nó bị nâng lên bởi những cái phết, phẩy, cho lợi ích của người làm như tôi đã nói. Phải có “gì” người ta mới làm. Tiền chảy vào chỗ đấy là chính chăng?
PV:Ông là đại biểu Quốc hội của Hà Nội, ông suy nghĩ gì về việc dự án có dấu hiệu lãng phí hoặc chi quá mức cần thiết?
Ông Trịnh Ngọc Thạch:Chắc chắn khi biết có chủ trương như vậy thì chúng tôi sẽ phải đề nghị thành phố phải giám sát, có đề xuất kiến nghị chi tiêu ngân sách phải hiệu quả, tiết kiệm, đặc biệt là chống lãng phí.
PV:Còn một câu chuyện đầu tư ở Hà Nội nữa là việc xây dựng cổng chào. Trên 20 km đường 32 mà có tới 5 cổng chào tiền tỷ?
Ông Trịnh Ngọc Thạch:Cái này phải ngăn chặn bởi nó là sự lãng phí. Mình đang nghèo mà lại hay chạy đua, thích tiếng hơn thực thì phải xem lại.
Bây giờ chính quyền phải vào cuộc. Cái này không ai tự bỏ tiền ra làm mà phải có người cấp kinh phí. Người cấp kinh phí, phê duyệt đề án phải có ý kiến. Nhiều khi những người này “lờ đi” thậm chí anh có lợi ích ở đấy nữa thì người ta sẽ để cho làm thôi.
PV:Hà Nội có nhiều công trình mà ĐBQH đã lên tiếng như xây bảo tàng ngàn tỷ không hiệu quả, cổng chào, con đường nhiều tỷ. Theo ông, nguyên nhân trách nhiệm do đâu; là Thủ đô sao không làm gương?
Ông Trịnh Ngọc Thạch:Mọi người đều hỏi nhau điều đó. Có thể có tư duy quản lý, có thể do công việc quá bận mà nhiều người coi là việc nhỏ, có thể đó chưa phải là việc lớn của những người có trách nhiệm. Chúng ta nhìn thấy xây bảo tàng nhiều tỷ là lãng phí nhưng có người lại thấy không lãng phí, thậm chí đó chưa phải việc cấp bách việc khác còn cấp bách hơn.
Lãnh đạo thành phố phải có trách nhiệm cao nhất trong việc này.
PV: Qua thực tế chi đầu tư xây dựng ở nước ta ông có suy nghĩ gì?
Ông Trịnh Ngọc Thạch:Ở nước ngoài, khi đầu tư người ta tính toán rất khoa học, phân tích chi phí lợi ích. Đầu tư nhưng phải có hiệu quả. Tức là chi phí ra đem lợi ích về. Ví dụ, đầu tư xây một cái nhà mà có lợi ích thực, hiệu quả thực thì bỏ ra một số tiền lớn cũng được. Nhưng có cái làm ra không hiệu quả trong khi lại xây dựng hoành tráng, chỉ để trang trí, chơi thôi… là tốn kém vô cùng.
Tôi thấy, đôi khi chúng ta hơi đề cao chi phí mà không tính hiệu quả. Đấy là lãng phí. Các nước phương Tây họ đánh giá rất chặt chẽ hiệu quả đầu tư. Ta đã nghèo thì chớ nhưng còn thích hoành tráng, còn hiệu quả thực của nó thì không có. Tất cả những cái đó tôi cho là lãng phí, mà lãng phí thì phải loại bỏ.
PV: Xin cảm ơn ông!/.