Tại Việt Nam, Chương trình Thương hiệu quốc gia được Chính phủ ban hành từ năm 2003. Sau hơn 20 năm triển khai, thương hiệu quốc gia Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực trong các ngành như viễn thông, ngân hàng, thực phẩm…góp phần thúc đẩy đưa Việt Nam vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 của ASEAN và thứ 40 của thế giới.

Đáng chú ý, thương hiệu Quốc gia Việt Nam tiếp tục thăng hạng mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng 102% trong giai đoạn từ năm 2019-2023, xếp thứ 33 trong top 121 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới được Tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới-Brand Finance đánh giá, xếp hạng.

Để tiếp tục xây dựng thương hiệu, gia tăng giá trị xuất khẩu cho các sản phẩm chủ lực của Việt Nam, trong năm 2024 và các năm tiếp theo, ông Hoàng Minh Chiến, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) chia sẻ 3 giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới.

Giải pháp thứ nhất, đó là nâng cao nhận thức của xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, người dân đối với ý nghĩa, vai trò của việc phát triển và bảo hộ thương hiệu cho một sản phẩm. Nhóm giải pháp thứ hai, nâng cao năng lực để hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam, từ đó có năng lực để xây dựng và quản trị phát triển các thương hiệu sản phẩm, đáp ứng được các tiêu chí của chương trình thương hiệu quốc gia hướng đến các thương hiệu xuất khẩu vươn ra thế giới mang lại giá trị gia tăng lớn hơn.

“Nhóm giải pháp thứ ba đó là cần đẩy mạnh hơn đó là tuyên truyền quảng bá cho chương trình thương hiệu quốc gia, các sản phẩm đạt tiêu chí chương trình thương hiệu quốc gia, từ đó để người tiêu dùng trong nước và quốc tế biết đến", ông Chiến cho biết.