Nằm ở phía tây của tỉnh Yên Bái, cánh đồng Mường Lò rộng thứ 2 miền Tây Bắc với diện tích gần 3.000 ha, trong đó diện tích lúa của huyện Văn Chấn 1.500 ha, thị xã Nghĩa Lộ trên 760 ha. Được thiên nhiên ưu đãi về đất, nước, khí hậu, điều kiện sinh thái Mường Lò được biết đến là vùng “gạo trắng nước trong” nức tiếng.
Cùng với sự cần cù chịu khó, người nông dân canh tác trên cánh đồng Mường Lò đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa sản lượng lúa mỗi năm từ cánh đồng Mường Lò đạt từ 30.000 - 32.000 tấn thóc. Trong đó, các loại lúa đặc sản hàng hoá khoảng 10.000 tấn. Lúa Hương chiêm và lúa Séng cù là 2 giống lúa hàng hóa chủ lực, chiếm trên 45% diện tích cánh đồng Mường Lò.
Người nông dân Mường Lò vui mừng vì gạo đặc sản cho giá trị cao |
Chị Lường Thị Hoàn ở thôn Đêu 2, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ cho biết: Qua nhiều năm sản xuất giống lúa Hương chiêm cho thấy năng suất khá, chất lượng gạo dẻo thơm, bán được giá. Vậy nên từ vụ mùa năm 2010, mặc dù kết thúc dự án sản xuất lúa chất lượng cao, không được hỗ trợ về giống nữa nhưng gia đình chị vẫn lựa chọn giống này để sản xuất.“Thời gian qua thì gia đình sử dụng phân hữu cơ sản xuất hai giống lúa Séng cù và Hương chiêm cho năng suất rất là cao, giá cả lại ổn định” – chị Hoàn nói.
Gạo Hương chiêm Mường Lò có hương thơm đặc biệt, hạt nhỏ thon; gạo Séng cù có đặc trưng màu trắng ngà, hạt to, hương thơm, mềm dẻo. Cả 2 loại gạo này đều có vị ngon ngọt, giá trị dinh dưỡng cao nên được nhiều người sành ẩm thực trong và ngoài tỉnh Yên Bái ưa chuộng.
Chị Trần Thu Hà, người tiêu dùng thành phố Yên Bái nhận xét: “Tôi rất hay sử dụng gạo Mường Lò, chất lượng rất thơm và dẻo, tôi thường hay gửi cho bạn bè và người thân gần xa. Tuy nhiên, mọi người lại không phân biệt được gạo Mường Lò với các loại gạo nơi khác. Mong Gạo Mường Lò sớm có thương hiệu để phân biệt được.”
Trong những năm qua, nghề xay xát chế biến gạo ở thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn đã thu hút được trên 50 cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tham gia, góp phần tiêu thụ lúa cho người nông dân, cầu nối cho gạo đặc sản của Mường Lò đến với người tiêu dùng.
Tuy nhiên chất lượng gạo không đồng đều giữa các cơ sở do lúa nguyên liệu và quy trình chế biến và bảo quản. Đặc biệt, các cơ sở này đều chưa sử dụng nhãn mác hoặc nhãn mác chưa được đăng ký bảo hộ; quy mô chế biến nhỏ, thiếu công nghệ, chưa hình thành được liên kết theo chuỗi giá trị với người trồng lúa.
Hiện nay, gạo Mường Lò đã được phân phối tại thị trường Hà Nội và một số tỉnh trong nước nhưng do không có dấu hiệu nhận diện nên người tiêu dùng không thể phân biệt được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, chính vì vậy, chưa phát huy được hết thế mạnh.
Chị Nguyễn Thị Minh Thu, chủ cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh gạo Minh Thu chia sẻ: “Gạo Mường Lò rất thơm ngon, được nhiều người ưa chuộng thế nhưng gạo Mường Lò lại chưa có thương hiệu, chúng tôi đóng gửi đi các nơi thì không có bao bì, nhãn mác. Mong là gạo Mường Lò sớm có thương hiệu để cho tương xứng với chất lượng, và dễ phân biệt được với gạo nơi khác”.
Lãnh đạo thị xã Nghĩa Lộ thăm đồng lúa tại Mường Lò |
Thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Yên Bái, hiện nay thị xã Nghĩa Lộ phối hợp với huyện Văn Chấn thực hiện dự án “Xây dựng chỉ dẫn địa lý “gạo Mường Lò” cho sản phẩm gạo của cánh đồng Mường Lò tỉnh Yên Bái”, với hai loại gạo đề nghị bảo hộ là Séng cù và Hương chiêm. Thông qua việc bảo hộ thương hiệu gạo Mường Lò với hình thức chỉ dẫn địa lý, thị xã nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn sẽ có cơ chế, chính sách quản lý, quy hoạch sản xuất, kinh doanh gạo Mường Lò chặt chẽ, hiệu quả hơn, đồng thời nâng cao danh tiếng, uy tín, chất lượng, giá thành gạo Mường Lò.
Qua đó bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng góp phần ổn định thu nhập cho người dân trồng lúa, từng bước cụ thể hóa mục tiêu đưa ngành nông nghiệp thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn phát triển bền vững. Ông Chu Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ, cho biết: Thị xã Nghĩa Lộ đã phối hợp với huyện Văn Chấn hoàn thiện việc Điều tra, khảo sát vùng gạo và đánh giá sơ bộ về uy tín, giá trị kinh tế - xã hội của “Gạo Mường Lò”.
“Các cấp, ngành, cùng bà con nông dân hướng tới thương hiệu Gạo Mường Lò. Chính quyền cũng đã quy hoạch các vùng sản xuất lúa phù hợp với đặc điểm từng vùng, bước đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hóa. Bên cạnh đó cũng có sự hỗ trợ cho sản xuất lúa chất lượng cao và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư sản xuất các mặt hàng cụ thể” – ông Chu Quốc Tuấn nói.
Sau khi Nhà nước bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm gạo Séng Cù, Hương Chiêm, UBND thị xã Nghĩa Lộ sẽ phối hợp với UBND huyện Văn Chấn quy hoạch, mở rộng diện tích gieo trồng hai giống lúa này, phấn đấu tăng từ 1,2 – 1,5 lần sản lượng như hiện nay lên khoảng 12.000 – 15.000 tấn./.