Sáng 4/5, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Quán triệt Nghị quyết 30c/NQ-CP của Chính phủ; triển khai Kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 2011 – 2015 và Kế hoạch năm 2012.

Chương trình CCHC lần này có 5 điểm mới so với Chương trình CCHC giai đoạn 2001- 2010, bao gồm: Xác định CCHC cho 10 năm với 3 nội dung trọng tâm là thể chế, con người và dịch vụ công; Tính định lượng được gia tăng nhiều hơn trong các mục tiêu, kết quả phải đạt được; Áp dụng bộ chỉ số theo dõi, đánh giá CCHC (Par index); Coi trọng sự đánh giá của người dân, tổ chức với CCHC; Xác định rõ hơn trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước năm 2011 – 2020.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết: Trên cơ sở định hướng chung của Nghị quyết 30c/NQ-CP, Bộ Công Thương đặt ra mục tiêu là hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công nghiệp và thương mại; kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý ngành từ Trung ương đến cơ sở; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ trình độ và năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng hành chính và dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao, thực hiện có hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng ISO, tạo sự tác động tích cực trong quản lý hành chính nhà nước đối với phát triển công nghiệp và thương mại.

Thực hiện tái cơ cấu ngành, xây dựng Bộ Công Thương chuyên nghiệp, hiện đại, phát triển bền vững, đảm bảo sự quản lý điều hành thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo bước chuyển biến mới trong ngành Công Thương.

Với mục tiêu nêu trên, nhiệm vụ của Bộ Công Thương sẽ tập trung vào các lĩnh vực: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa hành chính; đổi mới công tác chỉ đạo về CCHC.  

Về giải pháp, căn cứ vào định hướng mục tiêu, nhiệm vụ chung, các Cục, Vụ và các đơn vị trực thuộc Bộ chủ động, sáng tạo trong CCHC theo đúng định hướng kế hoạch chung nhằm triển khai có hiệu quả nhiệm vụ của đơn vị mình góp phần tăng hiệu quả chung trong các hoạt động của Bộ. 

Nhấn mạnh tính thống nhất thực hiện của các đơn vị trong Bộ, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa chỉ đạo: "Thực hiện CCHC là việc làm của tất cả các đơn vị, tổ chức, cá nhân của Bộ, không ai đứng ngoài hoạt động này. Các bộ phận, tùy chức năng, nhiệm vụ của mình, phải cùng thống nhất, gương mẫu thực hiện CCHC thì công tác CCHC của Bộ Công Thương mới thực sự hiệu quả".

Là đơn vị chủ trì về cải cách thể chế (nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong CCHC) của Bộ Công Thương, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, cho rằng: Nhiều thủ tục đã được rà soát, tuy nhiên, còn một số nội dung có vướng mắc là liên quan đến văn bản quy phạm pháp luật ở một số Bộ, ngành khác nên còn khó khăn trong việc điều chỉnh, bổ sung… phục vụ cải cách.

Đặc biệt, ông Tân kiến nghị cần nâng cao hiệu quả hoạt động lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động của các văn bản được ban hành, trong đó đặc biệt là các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan. Đồng thời, ông Tân cho rằng, Bộ Công Thương gắn liền với hoạt động thương mại với nước ngoài, liên quan đến các cam kết quốc tế, hoạt động CCHC sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động đầu tư, xúc tiến thương mại của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Cho nên, cần phải CCHC thật tốt, linh hoạt để vừa đảm bảo CCHC chung trong nước vừa phù hợp với thông lệ quốc tế để ngành công nghiệp và thương mại phát triển tốt hơn.

Nhấn mạnh vào yếu tố con người làm chủ trong hoạt động CCHC, ông  Đinh Duy Hòa, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ, cho rằng: “Bản thân các cán bộ, công chức, viên chức phải là người hiểu biết đúng và thực hiện nghiêm các hoạt động CCHC thì mới có hiệu quả”./.