Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF 2018) do Việt Nam và Diễn đàn kinh tế thế giới tổ chức diễn ra tại Hà Nội từ ngày 11 – 13/9 tới. Đây là Hội nghị WEF ASEAN có số lượng Tổng thống và Thủ tướng tham dự đông nhất từ trước tới nay.
Nhân dịp này, phóng viên VOV đã có cuộc phỏng vấn với Đại sứ Malaysia tại Việt Nam Dato M. Zamruni Khalid về chương trình nghị sự của WEF ASEAN 2018 cũng như công tác chuẩn bị của Việt Nam cho Hội nghị.
PV: Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 có chủ đề ‘ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4’. Đại sứ đánh giá ra sao về ý nghĩa chủ đề của Hội nghị năm nay đối với khu vực cũng như công tác chuẩn bị Hội nghị của Việt Nam?
Đại sứ Dato M. Zamruni Khalid: Tôi nghĩ đây là một chủ đề rất kịp thời, thiết thực và đáp ứng sự quan tâm chung của các nước ASEAN. Chúng ta biết rằng, ASEAN không thể bị bỏ lại trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này. Nhiều quốc gia ASEAN như Thái Lan, Singapore, Malaysia đã có những chiến lược cụ thể trong việc nắm bắt cơ hội này.
Đại sứ Malaysia tại Việt Nam Dato M. Zamruni Khalid. (Ảnh: Infornet) |
Liên quan đến hoạt động tổ chức của Việt Nam, Việt Nam đã tổ chức rất nhiều sự kiện quốc tế quan trọng và đều thành công như Hội nghị thượng đỉnh APEC năm 2017. Đây là một năm thành công đối với Việt Nam và tôi nghĩ với kinh nghiệm của mình, Việt Nam hoàn toàn có thể tổ chức thành công hội nghị WEF ASEAN năm nay.
PV: Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với ASEAN còn khá mới mẻ. Đại sứ có thể đánh giá những cơ hội và thách thức của ASEAN trong việc tận dụng cơ hội của cách mạng 4.0?
Đại sứ Dato M. Zamruni Khalid:Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội là rất lớn, các quốc gia nên tận dụng nguồn lực của cuộc cách mạng này nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.
Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là cách mạng công nghiệp 4.0 cũng khá mới mẻ với khu vực ASEAN. Các nước khác như châu Âu, Mỹ hay Nhật Bản đã có những bước tiến rất lớn nên điều quan trọng là các nước ASEAN cần thu hẹp khoảng cách này.
Về cơ bản, các nước ASEAN đều thực hiện trao đổi thương mại trong nội khối sẽ tạo ra nhiều thị trường và cơ hội hơn cho người dân ASEAN. Tuy nhiên, điều này cũng là một trở ngại trong việc áp dụng Cách mạng công nghiệp 4.0. Các mô hình kinh doanh mới phải dựa trên nền tảng công nghệ số đòi hỏi đổi mới về tư duy, thể chế và phương thức quản lý nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.
Vì vậy sẽ không có nhiều nước sẵn sàng điều chỉnh mô hình kinh doanh cũ, nhưng có thể học hỏi lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm và tìm ra cách tốt để tận dụng được những lợi thế của cách mạng công nghiệp 4.0.
PV: Một trong những thách thức đối với các nước ASEAN trong việc áp dụng cách mạng công nghiệp 4.0 có thể phải kể đến bài toán nhân lực. Đại sứ có gợi ý giải pháp nào để những nước ASEAN có thể cân bằng giữa việc tiến lên cách mạng 4.0 nhưng vẫn giảm tỉ lệ thất nghiệp?
Đại sứ Dato M. Zamruni Khalid:Vấn đề việc làm còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của mỗi quốc gia để đưa ra giải pháp. Tuy nhiên, điều chúng ta có thể làm đó là giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Khi thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất cũng có tỉ lệ thất nghiệp gia tăng ở một số ngành, trong đó có ngành nông nghiệp nhưng sau đó mọi người đều tìm cách thích ứng và tận dụng lợi thế công nghiệp vào ngành sản xuất và thành công.
Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như vậy, nếu đối mặt với rủi ro về lực lượng lao động thì bản thân những người lao động cần phải tự xác định, điều chỉnh và trang bị cho mình kiến thức và kĩ năng thích ứng với môi trường mới. Chính phủ các nước cũng cần phải đảm bảo các hoạt động hỗ trợ đào tạo cho người dân có đủ năng lực và tự tin tham gia vào cuộc cách mạng này.
PV: Xin cảm ơn Đại sứ!./.
Lãnh đạo nhiều nước khẳng định dự Hội nghị WEF-ASEAN 2018 tại Hà Nội