Sáng 20/6, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội nghị bàn tròn các đối tác tiềm năng dự án cấp nước an toàn vùng ĐBSCL.
Hội nghị bàn tròn các đối tác tiềm năng Dự án cấp nước an toàn vùng ĐBSCL. |
Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, thực hiện rà soát và điều chỉnh Quy hoạch Xây dựng và Quy hoạch cấp nước cho vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời kêu gọi các tổ chức quốc tế tham gia vào công tác quy hoạch và xây dựng các dự án đầu tư cho khu vực này.
Bộ Xây dựng đã triển khai nghiên cứu và lập Dự án cấp nước an toàn vùng ĐBSCL để xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch cho 7 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Tây Nam sông Hậu (bao gồm Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu và Cà Mau), với tổng vốn đầu tư ước tính 1,3 tỷ USD.
Đây là dự án đầu tiên thực hiện theo quan điểm bảo đảm quy hoạch chung; khai thác, sản xuất và cung cấp nước sạch không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Theo các đại biểu, dự án này khi triển khai thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn, như vốn đầu tư, năng lực quản lý, quản trị dự án, bảo đảm tính ổn định và an toàn của hệ thống...
Ông Nguyễn Tường Văn, Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết, từ trước đến nay, tất cả các văn bản pháp quy khi triển khai các dự án đều tiếp cận theo quan điểm cấp nước theo địa giới hành chính.
“Khi đầu tư một nhà máy cấp nước liên vùng không còn ranh giới hành chính sẽ rất khó khăn, đòi hỏi sự nghiên cứu chi tiết cũng như liên quan đến thể chế kinh tế…không chỉ dừng lại ở khâu đầu tư mà còn liên quan đến quá trình vận hành, bảo dưỡng, cơ chế giá nước điều phối giữa các tỉnh, cơ chế mua bán giá nước giữa bán buôn và bán lẻ, giữa công ty nước vùng và các công ty nước địa phương”, ông Văn cho biết.
Cũng tại hội nghị, đại diện Ngân hàng Thế giới cho biết đã cam kết hỗ trợ 7 triệu USD để lập báo cáo nghiên cứu khả thi cho Dự án, đồng thời xem xét tài trợ 400 triệu USD cho một phần tổng mức đầu tư của Dự án./.