Mới đây, thông qua một cơ quan báo chí TP.HCM (cụ thể là Báo Tuổi Trẻ đã đưa tin vào ngày 12/07/2020), lãnh đạo UBND tỉnh Long An cho biết, tỉnh này đang trong giai đoạn chuẩn bị các thủ tục để trình Chính phủ xin chuyển đổi phần lớn diện tích đất sạch trong dự án Khu công nghệ môi trường xanh tại xã Tân Lập, huyện Thủ Thừa sang mục đích khác.
Trước thông tin này, Công ty Cổ phần Xử lý chất thải Việt Nam - Long An (VWSLA), chủ đầu tư dự án Khu công nghệ Môi trường xanh Long An, đã có văn bản kiến nghị lên thường vụ Tỉnh ủy và Lãnh đạo UBND tỉnh Long An để bày tỏ quan ngại về thông tin nêu trên.
Đề xuất thu hồi dự án đang triển khai?
Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, lý do đề nghị thu hồi là do khi lập dự án, tính toán ban đầu được định hình theo công nghệ thời đó là cần khu xử lý chôn lấp rác nên phần diện tích đất thu hồi cần khá lớn để xúc tiến dự án. Hiện nay, việc chôn lấp rác đã lỗi thời, không đảm bảo các yêu cầu về môi trường, do đó, tỉnh Long An đã thay đổi và thúc đẩy nhà đầu tư phải sử dụng công nghệ xử lý đốt, phát điện hiện đại. Diện tích cần để xây dựng nhà máy đốt rác chỉ khoảng 200 hecta.
"Do đó, Long An xin được phép chuyển đổi phần đất còn lại đã được giải phóng mặt bằng, khoảng gần 1.600 hecta, hiện đang là đất sạch, rất thuận lợi để kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp, đô thị và thương mại. Đây cũng là hình thức để tránh lãng phí nguồn tài nguyên đất đai", ông Trần Văn Cần cho hay.
Nhà đầu tư bức xúc
Trước thông tin này, mới đây, Công ty VWSLA đã có Công văn số 2009/VB-VWSLA ngày 15/7/2020 gửi Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh Long An nêu rõ: “VWSLA là chủ đầu tư chính thức của Dự án Khu Công nghệ Môi trường xanh nhưng chúng tôi hoàn toàn không được biết bất kỳ thông tin nào liên quan đến nội dung bài báo nêu trên; và tỉnh Long An cũng chưa có bất kỳ công văn thông báo hay đề nghị chúng tôi có ý kiến về vấn đề này”.
Dự án Khu Công nghệ Môi trường xanh đã được Chính phủ giao cho Công ty VWSLA (được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An cấp giấy chứng nhận đầu tư số 501032000341 lần đầu ngày 15/5/2015 và cấp đổi sang giấy chứng nhận đăng ký đầu tư số 9837173770 ngày 08/3/2016) làm nhà đầu tư chính thức từ năm 2010 theo công văn đề nghị của TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Long An, được Bộ Xây dựng chấp thuận theo Công văn số 1256/BXD-HTKT ngày 06/07/2010.
Tổng vốn đầu tư dự kiến của dự án lên đến hơn 600 triệu USD. Từ khi được giao dự án, VWSLA đã đầu tư gần 20 triệu USD để tiến hành làm sạch mặt bằng, rà phá bom mìn, xây dựng một số cơ sở hạ tầng, xây 2 cây cầu và đường dẫn vào Khu xử lý, bảo vệ phòng cháy chữa cháy và lựa chọn các đối tác nước ngoài thiết kế dự án...
Ông David Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VWSLA cho biết, trong quá trình chuẩn bị thực hiện dự án, VWSLA đã tiến hành điều chỉnh lại quy hoạch nhiều lần theo yêu cầu và ý kiến đóng góp của TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Long An. Việc điều chỉnh quy hoạch cho dự án Khu Công nghệ Môi trường xanh đã được Công ty TNHH Xử lý Chất thải Việt Nam (VWS) thực hiện và lồng ghép vào quy hoạch chung của tỉnh Long An. VWSLA cũng đã làm tờ trình xin xét duyệt quy hoạch 1/2000 nhiều lần.
"Đây là nhiệm vụ của tỉnh Long An nhưng lãnh đạo tỉnh lại chuyển về cho UBND huyện Thủ Thừa thẩm định và phê duyệt. Tuy nhiên, khi đoàn VWSLA xuống làm việc nhiều lần, huyện Thủ Thừa lấy lý do là dự án quá lớn nên không đủ khả năng, trình độ và thẩm quyền để giải quyết. Khi báo cáo lại với UBDN tỉnh Long An thì Tỉnh Long An cũng không có ý kiến chỉ đạo tiếp tục, hồ sơ cứ bị ngâm mãi mà cho đến nay vẫn chưa được thông qua. Đang thực thi dự án thì nay lại có thông tin tỉnh Long An muốn thu hồi đất để chuyển đổi mục đích sử dụng. Chúng tôi là nhà đầu tư nước ngoài, thật sự rất hoang mang và lo lắng vì không hiểu chuyện gì đang xảy ra”, ông David Dương nói.
Cũng theo ông David Dương, đây là một trong những dự án mang tầm quốc gia của Chính phủ tuân thủ theo Quyết định số 1440/QĐ-TTg ký ngày 6/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch xây dựng Khu xử lý chất thải rắn 3 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, miền Trung và phía Nam đến năm 2020, trong đó Khu công nghệ môi trường xanh Long An là 1 trong 2 dự án trọng điểm của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.
Quyết định 1440/QĐ-TTg với chiến lược tập trung xử lý rác thải cho vùng để đảm bảo việc xử lý rác tập trung và triệt để không gây ảnh hưởng môi trường, để các cơ quan chức năng có thể kiểm tra và giám sát an toàn và hiệu quả hơn. Theo chủ trương này, VWSLA đã triển khai đầu tư dự án xử lý rác thải với chiến lược tập trung cả về quy mô, kinh phí và công nghệ tiên tiến, tối ưu hoá việc xử lý các thành phần rác khác nhau của từng vùng. Dự án tập trung góp phần tránh tình trạng sử dụng nhiều quỹ đất trong trung tâm thành phố và xây dựng nhiều nhà máy xử lý rác với nhiều công nghệ khác nhau sẽ gây nguy cơ lớn về việc xảy ra sự cố gây ô nhiễm môi trường và ảnh hướng sức khoẻ cho người dân.
Ông David Dương rất băn khoăn: “Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tại sao quyết định này lại được tỉnh Long An thông qua khi chưa có ý kiến chính thức của chủ đầu tư? Trong trường hợp tỉnh Long An vẫn quyết định thu hồi lại phần đất dự án đã giao cho chúng tôi thì phương án đền bù cho những thiệt hại và chi phí đầu tư mà chúng tôi đã bỏ ra trong 10 năm qua như thế nào?”./.
Luật sư Hà Hải, Ủy viên Hội đồng Luật sư - Thành viên Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM:
Nói về câu chuyện tỉnh Long An đang xin chuyển đổi mục đích phần lớn đất trong dự án Khu Công nghệ Môi trường xanh mà LA-VWS làm chủ đầu tư để phát triển công nghiệp, đô thị và thương mại, theo quy định pháp luật, khi đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư và họ đã thực dự án, nếu không có lý do để xem xét thu hồi mà thu hồi hoặc gây cản trở hoạt động nhà đầu tư là không đúng quy định Luật Đầu tư 2014 và các văn bản hướng dẫn.
Trong trường hợp nhà đầu tư không thực hiện hoặc thực hiện không đúng cam kết thì mới xem xét thu hồi dự án. Tuy nhiên, trước khi đi đến quyết định này, cơ quan, ban, ngành có thẩm quyền cần ngồi lại với nhà đầu tư để trao đổi nguyên nhân, lý do... mới đi đến quyết định thu hồi.
Trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền chưa tạo thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện dự án cũng là không đúng. Các cơ quan, ban, ngành của địa phương phải có trách nhiệm phối hợp hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện dự án, nhất là dự án có quy mô lớn. Toàn bộ sở, ngành có liên quan từ cấp tỉnh, thành đến Trung ương phải có nghĩa vụ phối hợp hỗ trợ nhà đầu tư. Trong trường hợp có ý định thu hồi dự án thì phải ngồi lại làm việc với nhà đầu tư để trao đổi cụ thể chứ không thể có chuyện chủ đầu tư đang thực hiện dự án mà lại có ý định thu hồi lại, thậm chí không trao đổi với nhà đầu tư. Về mặt lý theo quy định pháp luật cũng như về mặt tình là không đúng.