Năm nay, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị được UBND tỉnh này giao thực hiện 80 dự án, tổng mức đầu tư gần 11 nghìn tỷ đồng. Đến nay, tổng giá trị giải ngân vốn mới đạt 20%. Hàng loạt dự án, công trình trọng điểm đều chậm tiến độ.

Dự án đường nối cầu An Mô vào Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn tại huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị do Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị làm chủ đầu tư. Đường dài khoảng 6 cây số, qua nhiều lần điều chỉnh triển khai 6 năm nay vẫn chưa xong. Một năm qua, dự án chỉ làm được vài hạng mục rồi đứng yên vì vướng mặt bằng. Người dân cho rằng, giá đền bù quá thấp nên chưa đồng thuận để bàn giao.

Ông Nguyễn Văn Thông, ở thôn An Mô, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị bức xúc: “Dự án này triển khai từ năm 2009, lâu lâu, họ bồi thường vài cái nhà triển khai làm xong cầu rồi nghỉ. Mấy năm mới đây, họ làm thêm mấy cái cống thoát nước. Do giá đền bù để giải tỏa quá thấp nên họ làm kéo dài lê thê. Đến nay hơn 10 năm rồi, con đường vẫn không xong, nên người dân bức xúc”. 

Tính đến ngày 20/11, tổng giá trị giải ngân các nguồn vốn đầu tư công do tỉnh Quảng Trị quản lý năm 2022 là hơn 1.558 tỷ đồng, đạt 45,7% kế hoạch tỉnh giao và đạt 53% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm. Nguyên nhân tỷ lệ giải ngân đạt thấp chủ yếu do vướng giải phóng mặt bằng, thiếu hụt nghiêm trọng nguồn đất đắp và đất san nền. Một số nhà thầu thi công cầm chừng do giá cả nguyên vật liệu nhiều biến động, thay đổi chính sách và quy định của Nhà nước; quy trình thực hiện, giải ngân vốn kéo dài…

Địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt khá của tỉnh Quảng Trị là huyện Triệu Phong nhưng nhiều nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia tại huyện này đạt thấp hơn so với các năm. Trong đó, nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2022 mới giải ngân được 70%, ước đến ngày 31/1 năm sau cũng chỉ giải ngân được 75% kế hoạch.

Ông Lê Đức Anh, Phó trưởng Phòng Tài chính huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị cho biết, giá nhiên liệu và vật liệu xây dựng tăng cao khiến nhiều công trình giãn tiến độ chậm thi công, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công: “Kế hoạch chậm hơn, chủ yếu nguồn hỗ trợ các mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Các công trình áp dụng cơ chế đặc thù, chưa có văn bản hướng dẫn liên quan đến công trình đặc thù, các chi phí liên quan đến hồ sơ chưa có. Vừa rồi UBND tỉnh mới ban hành văn bản hướng dẫn, trên cơ sở đó các địa phương mới tập trung nhân lực để đảm bảo tỷ lệ giải ngân”.

UBND tỉnh Quảng Trị đã thành lập Tổ công tác giám sát và xử lý các điểm nghẽn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Các chủ đầu tư có số vốn kế hoạch năm 2022 lớn đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hồ sơ, thủ tục để đấu thầu, trao thầu, tạm ứng vốn nhằm giải tỏa áp lực giải ngân của toàn tỉnh. Đối với các công trình, dự án đã có khối lượng, chủ đầu tư cần tiến hành làm việc với Kho bạc Nhà nước để thanh toán, không để dồn thanh toán vào cuối năm.

Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh sẽ kiên quyết điều chuyển vốn các công trình, dự án chậm tiến độ qua các dự án giải ngân tốt hơn. Người đứng đầu các đơn vị, địa phương, chủ đầu tư chịu trách nhiệm tự thu xếp nguồn vốn để thực hiện phần khối lượng tương ứng với phần vốn bị cắt giảm.

“Trách nhiệm các chủ đầu tư, nhà thầu chây ì chậm tiến độ, hoặc không bố trí nhân lực để đảm bảo các điều kiện tổ chức thực hiện. Các khắc phục yếu tố còn chủ quan, chưa mạnh mẽ quyết liệt của các địa phương, thủ trưởng các cơ quan, đặc biệt là các chủ đầu tư; chấn chỉnh, yêu cầu các cơ quan đơn vị có sự đồng bộ, phối hợp trong công tác giải phóng mặt bằng”, ông Hưng nói./.