Ngày 10/7, ông Đặng Quang Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH Mạnh Cầm (Doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối Sản phẩm thực phẩm bổ sung: Sữa dê Danlait) đã gửi thư đến cơ quan báo chí thông báo việc khởi kiện ông Vương Trí Dũng (Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) lên Tòa Hành chính - TAND thành phố Hà Nội về quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp này.

Theo nội dung đơn khởi kiện, ông Đặng Quang Mạnh cáo buộc ông Vương Chí Dũng đã đăng đàn phát biểu trên một số phương tiện truyền thông cho rằng sản phẩm thực phẩm bổ sung: Sữa dê Danlait (không đủ 34% độ đạm), trong khi doanh nghiệp chỉ sai một lỗi duy nhất là “ghi nhãn phụ chưa đúng theo quy định ghi nhãn hiện hành”. Ông Dũng đã cố tình đưa sự việc thành “trầm trọng” rằng doanh nghiệp vi phạm nhiều lỗi trong quá trình kiểm tra, gây bất lợi cho hoạt động của doanh nghiệp.

Ngoài ra, theo ông Mạnh, ông Vương Trí Dũng còn ban hành nhiều quyết định xử phạt hành chính không đúng quy định pháp luật gây ảnh hưởng uy tín và thương hiệu của công ty trầm trọng.

Theo đề nghị gửi đến Tòa án, ông Đặng Quang Mạnh yêu cầu TAND Hà Nội buộc ông Vương Trí Dũng công khai xin lỗi doanh nghiệp về việc cung cấp thông tin trên các phương tiện truyền thông không đúng bản chất sự việc, gây ảnh hưởng trầm trọng đến uy tín thương hiệu và họat động kinh doanh của công ty

Ông Vương Trí Dũng phải hủy quyết định xử phạt hành chính số 0165977 ngày 14/05/2013 do ông Vương Trí Dũng ký ban hành không đúng quy định, đồng thời trả lại Công ty Mạnh Cầm 190 tờ phiếu xuất kho vì cho rằng đây không phải là tang vật vi phạm hành chính.

Đặc biệt, Đại điện Công ty Mạnh Cầm đòi đền bù thiệt hại 1,25 tỷ đồng là tổn thất thực tế bước đầu do ảnh hưởng bởi hành vi hành chính trái pháp luật của ông Vương Trí Dũng và quyết định hành chính do ông Dũng ban hành trái pháp luật gây ra cho công ty Mạnh Cầm.

Trước đó, tại buổi họp báo do Bộ Công Thương tổ chức ngày 1/7, ông Đỗ Thanh Lam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết hiện đã phát hiện một số sai phạm trong việc dán nhãn hàng hóa, bởi thực chất đây là thực phẩm bổ sung nhưng lại ghi thành sữa.

Theo ông Lam, Cục Quản lý thị trường cũng đã lấy ý kiến của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), từ đó kết luận thông tin cảnh báo sản phẩm cũng ghi không chuẩn. Bộ này cho rằng, tuy sản phẩm được nhập khẩu, các thông tin bằng tiếng nước ngoài nhưng khi dịch sang tiếng Việt cũng phải thể hiện đúng bản chất sản phẩm.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý Thị trường cũng phát hiện dấu hiệu trốn thuế trong vụ việc này, bởi thuế áp dụng cho thực phẩm bổ sung và sữa là khác nhau. Theo biểu thuế nhập khẩu, thuế nhập khẩu sữa bột chỉ từ 3 - 5%, trong khi thực phẩm bổ sung phải chịu thuế lên tới 15%.

“Hiện Cục Quản lý Thị trường đã chuyển vụ việc sang cho Cơ quan Công an vì phát hiện có dấu hiệu nhất định về trốn thuế”, ông Lam nói./.