>> Chứng khoán tụt dốc, nhà giàu Trung Quốc ôm tiền đi đâu 

>> Ai đã thổi phồng bong bóng chứng khoán ở Trung Quốc?

>> Chứng khoán Trung Quốc “bốc hơi” triệu đô mỗi phút 

Theo WSJ, sự cải cách được mong đợi từ lâu của Việt Nam trong quy định về sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài đã khiến thị trường chứng khoán trong nước khởi sắc. Các nhà đầu tư Việt hiện đang đẩy mạnh giao dịch với hy vọng bắt kịp đợt sóng mua vào của nhà đầu tư quốc tế.

Đón ‘luồng gió’ mới

Kể từ khi quy định mới được đề xuất vào cuối tháng trước, hai sàn giao dịch chủ yếu của Việt Nam là HOSE và HNX đã đạt được mức tăng tương ứng là 9% và 3%. Trong khi đó, chứng khoán Thượng Hải-Trung Quốc và Philippines đều tụt dốc, với mức giảm tương ứng 5,3% và 1,6%. Đặc biệt, sự đảo chiều của chứng khoán Trung Quốc đã khiến nhà đầu tư nước ngoài e ngại, bán tháo cổ phiếu “chạy” sang các khu vực khác nhiều tiềm năng và an toàn hơn.

thi_truong_vn_kypv.jpg
Chứng khoán Việt Nam đang hút đầu tư nước ngoài. – (Ảnh: iStock)

Trước đây, chính phủ Việt Nam có quy định chặt chẽ đối với sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán. Vì vậy, các quy định mới, dự kiến bắt đầu thực hiện từ đầu tháng 9/2015, kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhà đầu tư cá nhân trong nước mua vào.

WSJ trích lời một nhân viên văn phòng đầu tư chứng khoán tại TP HCM cho biết, quy định mới về sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đã khiến anh thu lời được khoảng 2/3 mức lương hàng năm của mình nếu bán số cổ phiếu hiện đang nắm giữ. Những nhà đầu tư cá nhân như anh này hiện chiếm khoảng 90% trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nhiều người sự đoán rằng sẽ có một làn sóng đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài được nới lỏng và các quỹ đầu tư tìm kiếm lợi suất tốt sẽ bị thu hút bởi một trong những thị trường tiềm năng được cho là nóng” nhất thế giới hiện nay.

Mở rộng giới hạn sở hữu

Ủy ban Chứng khoán Quốc gia khiến thị trường chứng khoán trong nước bất ngờ khi thông báo sẽ dỡ bỏ giới hạn sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài, ngoại trừ một số lĩnh vực nhạy cảm như an ninh quốc phòng. Trước đó, thị trường chỉ mới dự đoán chính phủ sẽ nới lỏng giới hạn sở hữu 49% lên 60%.

Chỉ số chứng khoán Việt Nam tăng mạnh sau khi chính phủ dỡ bỏ giới hạn sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài. (Số liệu của WSJ)

Hiện chính phủ Việt Nam vẫn chưa cho biết kế hoạch cụ thể về ngành nghề hay công ty nào sẽ được dỡ bỏ giới hạn, ngoại trừ ngành ngân hàng chắc chắn sẽ bị giới hạn 30%. Quy định mới sẽ được áp dụng từ ngày 1/9/2015.

Theo WSJ, các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng bị thu hút bởi thị trường chứng khoán Việt Nam. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2015, nhà đầu tư nước ngoài đã mua hơn 233 triệu USD trên thị trường chứng khoán này, cao hơn so với mức 128 triệu USD của cả năm 2014.

Chỉ tính riêng trong tuần này, đã có khoảng 30 công ty chiếm khoảng 1/5 tổng vốn hóa thị trường của HOSE được nhà đầu tư nước ngoài giao dịch ở mức, hoặc gần mức giới hạn.

Trong đó, Công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk (VNM) và Công ty cổ phần nhựa Bình Minh (BMP) đã tăng 2,6% và 4,5% kể từ khi chính phủ tuyên bố dỡ bỏ giới hạn sở hữu với nhà đầu tư nước ngoài vào cuối tháng trước.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của quỹ Saigon Asset Management, Louis Nguyen nhận định, nếu chính phủ Việt Nam thông qua quy định mới về gia tăng sở hữu đối với các nhà đầu tư quốc tế, thì sẽ tác động tích cực đến thị trường chứng khoán trong nước.

Theo Louis Nguyen, bước cải cách này sẽ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư quốc tế đầu tư thêm và khởi đầu cho một làn sóng đầu tư đối với những người muốn tham gia thị trường Việt Nam.

Louis Nguyen đánh giá, hiện nhà đầu tư nước ngoài quan tâm chủ yếu vào những công ty lớn và hoạt động tốt tại Việt Nam. Nhiều công ty nhỏ trên thị trường có lợi nhuận hấp dẫn, nhưng mức vốn hóa quá nhỏ để các tổ chức tài chính lớn có thể đầu tư.

Chính phủ Việt Nam hiện có kế hoạch cổ phần hóa 289 doanh nghiệp nhà nước trong năm nay nhằm cải cách hoạt động của khu vực kinh tế nhà nước và thúc đẩy thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, tiến độ hiện nay vẫn còn chậm, mới chỉ có 61 doanh nghiệp được cổ phần hóa tính đến 23/6/2015, đạt 1/5 so với mục tiêu đề ra.

Ngoài ra, thị trường Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập khiến các nhà đầu tư nước ngoài e ngại khi tham gia. Để vào thị trường Việt Nam, các quỹ đầu tư nước ngoài phải đăng ký với các cơ quan chức năng và quá trình này có thể kéo dài hàng tháng. Do đó, nhiều nhà đầu tư buộc phải gia nhập thị trường thông qua các quỹ đầu tư đã có sẵn tại Việt Nam hoặc đầu tư gián tiếp qua Quỹ hoán đổi danh mục (Exchange-Traded Fund), gọi tắt là quỹ ETF./.