Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được coi là một động lực quan trọng để tăng trưởng kinh tế. Sau nhiều năm thu hút và sử dụng vốn FDI, đến nay dư luận vẫn phải băn khoăn về thực chất FDI vào Việt Nam đã tạo ra những giá trị gì, giải pháp nào để hạn chế tác động tiêu cực, phát huy tích cực?
Nhiều địa phương đổi đời nhờ dự án FDI
Dõi theo suốt hành trình 30 năm Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế, TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cho rằng phải rất khách quan, khoa học khi đánh giá về đầu tư nước ngoài mới có thể hình thành định hướng và đề ra giải pháp đúng đắn khi ứng xử với dòng vốn FDI.
Theo phân tích của ông, hiện nay, 67% kim ngạch xuất khẩu của nước ta là từ khối FDI. Riêng năm 2014, xuất siêu khoảng 2 tỷ USD, trong đó FDI xuất siêu nhiều hơn so với nhập siêu của các doanh nghiệp trong nước.
Dẫn minh chứng tác động tích cực của FDI, ông Mại cho biết: Samsung là một trường hợp đầu tư nhanh và hiệu quả. Năm 2007, Samsung đặt nhà máy đầu tiên ở Bắc Ninh với số vốn 650 triệu USD. Chỉ sau 7 năm, số vốn riêng của Samsung dự kiến tính đến năm 2015 sẽ đạt tổng cộng là 11,2 tỷ USD.
Samsung hiện đã sử dụng khoảng 65.000 lao động, dự kiến đến năm 2015 là 130.000 lao động. Năm 2015, khả năng Samsung sẽ xuất khẩu đạt 40 tỷ USD. Giá trị gia tăng trong xuất khẩu của Samsung tạo ra tại Việt Nam là 30%.
Qua sự đầu tư của Samsung, “các tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên có sự đổi đời nhờ có những dự án như vậy”- ông Mại nhấn mạnh. Đặc biệt, theo ông Mại, Samsung còn dự kiến chuyển dần các trung tâm lớn nhất của họ tại Ấn Độ về Việt Nam. Hiện có 1.200 kỹ sư phần mềm Việt Nam đang làm việc cho họ, dự kiến cuối năm 2015 sẽ là 2.200.
Một ví dụ khác nữa là trường hợp Tập đoàn CP Thái Lan đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn gia súc đầu tiên tại Đồng Nai từ năm 1993, hiện đã khép kín quy trình sản xuất. “thử hỏi, nếu không có Tập đoàn CP Thái Lan, ngành chăn nuôi nước ta có đạt được trình độ như ngày nay không?”- ông Mại đặt câu hỏi.
Việc Big C, Metro… xuất hiện ở Việt Nam, theo ông Mại, không chỉ góp phần thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của một số tầng lớp dân cư, mà đã du nhập vào nước ta phương thức mới về bán buôn và bán lẻ hiện đại. Doanh nghiệp Việt Nam trước áp lực cạnh tranh buộc phải cải tiến kinh doanh, thành lập hàng nghìn siêu thị mini ở thành phố và nông thôn.
Đặc biệt, nhờ vào cuộc cạnh tranh đó, nhiều doanh nghiệp Việt đã không “thua ngay trên sân nhà” bằng giải pháp cơ bản là nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư đổi mới công nghệ, phương thức kinh doanh, thiết lập quan hệ hợp tác chiều dọc để tiêu thụ sản phẩm, coi trọng chất lượng và kiểu dáng sản phẩm hơn…
Cũng nhìn nhận mặt tích cực của FDI với nền kinh tế, TS Phạm Việt Dũng, Tạp chí Cộng sản, cho hay, kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài chính thức được ban hành (1987) đến nay, Việt Nam đã thu hút được 17.434 dự án FDI, tổng số vốn đăng ký hơn 268 tỷ USD, vốn thực hiện đạt xấp xỉ 112 tỷ USD. Nguồn vốn này đã trở thành bộ phận quan trọng của kinh tế Việt Nam và có nhiều đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Đặc biệt, theo TS Phạm Việt Dũng, khu vực doanh nghiệp FDI luôn năng động và có đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Đó là đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp; đóng góp đáng kể vào thu ngân sách cân đối vĩ mô và tạo việc làm; đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu và tham gia mở rộng thị trường quốc tế…
Sức lan tỏa vào khối doanh nghiệp trong nước còn kém
Bên cạnh những tác động tích cực, theo TSKH Nguyễn Mại, FDI cũng có mặt trái của nó. Nhưng mặt trái này, theo ông, không chỉ ở Việt Nam mà có ở toàn cầu. Nó gắn với năng lực xử lý các tình huống của cơ quan quản lý Nhà nước. Nếu năng lực ấy tốt lên thì mặt trái phải giảm đi.
Nhược điểm lớn nhất của Việt Nam trong thu hút FDI, theo ông Mại, là sự lan tỏa của doanh nghiệp FDI đối với DN trong nước. Sự lan tỏa này ở Việt Nam thua xa Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Đơn cử, tại Thái Lan, năm 2014, sản xuất 2,4 triệu ô tô và xuất khẩu 1/2. Họ có 17 nhà sản xuất lớn của thế giới và 620 doanh nghiệp lớn trong nước và doanh nghiệp liên doanh để làm doanh nghiệp hỗ trợ, và có hàng ngàn doanh nghiệp hỗ trợ cấp 2. Còn tại Việt Nam, hiện nay, với Samsung mới chỉ 7/93 doanh nghiệp là của Việt Nam làm hỗ trợ, còn lại là DN của nước ngoài.
Trước thực trạng này, ông Mại cho rằng, “rất cần có một nguồn tín dụng ưu đãi cho phát triển doanh nghiệp hỗ trợ, kiểu như tín dụng hỗ trợ đóng tàu vỏ sắt. Lúc đó mới có thể phát triển doanh nghiệp hỗ trợ được”.
Đồng quan điểm sự lan tỏa còn kém, theo TS Phạm Việt Dũng, vấn đề chuyển giá, trốn thuế của khối FDI cũng không thể phủ nhận. Theo Bộ Tài chính, có đến 20-30% doanh nghiệp FDI báo lỗ liên tiếp 2-3 năm, thậm chí là 5 năm. Nhưng nghịch lý nhãn tiền là, dù lỗ triền miên, các doanh nghiệp đó vẫn liên tục mở rộng sản xuất, kinh doanh. “Đây là dấu hiệu bất thường”- ông Dũng nhấn mạnh.
Không những thế, cơ cấu vốn FDI vào còn bất hợp lý, chủ yếu vào những ngành có khả năng sinh lời cao như khai thác tài nguyên, khoáng sản, dầu khí, công nghiệp nặng... tới 60% tổng vốn đăng ký, còn lĩnh vực nông nghiệp lại xu hướng giảm dần.
TS Trần Đình Thiên cũng chỉ ra một số bất cập của FDI vào nước ta. Đó là tỷ lệ vốn FDI tích lũy được vào Việt Nam so với GDP thuộc loại lớn nhất thế giới. Ví dụ, so với Trung Quốc, họ cũng rất lớn nhưng mà Trung Quốc bừng lên rất mạnh khi tỷ lệ này chỉ khoảng 20%, còn Việt Nam có tới hơn 60%, Thái Lan cũng chỉ khoảng 30%.
“Lẽ ra với lượng vốn FDI tích lũy lại trong nền kinh tế lớn như vậy sẽ kéo nền kinh tế Việt Nam đi lên rất nhiều. Nhưng thực tế, tác dụng FDI nâng cấp nền kinh tế Việt Nam lên là rất ít”- ông Thiên đánh giá.
Phải kiên quyết lựa chọn FDI có chất lượng
Với thực tế này, trong thời gian tới, TSKH Nguyễn Mại đề nghị: Bản thân các tỉnh, thành phố cần quan tâm đến định hướng thu hút FDI, thực hiện tốt quyền lựa chọn nhà đầu tư và dự án FDI. Cần thiết lập mối quan hệ giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI để hướng doanh nghiệp trong nước tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Đồng thời, phải vừa coi trọng các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, vừa tạo môi trường thuận lợi để thu hút các tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới từ Mỹ, Nhật, EU, Hàn Quốc… Đặc biệt, cần sửa đổi, bổ sung chính sách ưu đãi với các dự án FDI theo nguyên tắc không chỉ ưu đãi theo ngành, lĩnh vực mà còn gắn với vùng, lãnh thổ. Và, vấn đề quan trọng nữa là phải đổi mới đồng bộ và nhanh hơn công tác quản lý nhà nước đối với FDI.
Còn TS Phạm Việt Dũng đề nghị phải kiên quyết lựa chọn FDI có chất lượng, hàm lượng công nghệ cao và không gây ô nhiễm môi trường. Song song đó, phải tăng cường kiểm tra, giám sát các dự án FDI. Và, nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí đánh giá FDI hiệu quả ở Việt Nam…/.