Sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA) được ký kết, dòng vốn FDI vào Việt Nam không chỉ từ các nước EU mà cả từ các quốc gia khác được dự báo sẽ tăng mạnh nhờ sự dịch chuyển sang để hưởng lợi chính sách ưu đãi thuế.

vov_fdi_lnxl.jpg
Việt Nam kỳ vọng đón làn sóng FDI mới sau khi ký kết Hiệp định EVFTA. (Ảnh minh họa)

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho rằng đây là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, góp phần quan trọng vào việc củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài nói chung cũng như nhà đầu tư EU nói riêng về tính hấp dẫn, an toàn, thân thiện và cạnh tranh cao hơn của môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. 

Đồng thời, doanh nghiệp, người dân Việt Nam sẽ có cơ hội được tiếp cận, tiêu dùng và hưởng lợi các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tiêu chuẩn châu Âu với chất lượng cao, giá cả cạnh tranh từ các nền kinh tế của Liên minh châu Âu.

Đến nay, các nhà đầu tư EU đã có 2.244 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 24,67 tỷ USD,  chưa tính  một số dự án lớn khác thông qua quốc gia hoặc vùng lãnh thổ thứ ba.

EVFTA cùng với Hiệp định bảo hộ đầu tư IPA sẽ giúp Việt Nam tiếp tục đổi mới cơ cấu kinh tế, hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư EU kinh doanh tại Việt Nam. Giúp Việt Nam đạt được cân bằng giữa việc thu hút đầu tư và bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, hỗ trợ phát triển bền vững, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá.

Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA chặt chẽ hơn sẽ thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài tăng cường đầu tư vào sản xuất hàng hóa tại Việt Nam để tận dụng lợi thế về tiếp cận thị trường EU của Việt Nam, giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trong các chuỗi giá trị toàn cầu.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

EVFTA giúp Việt Nam cải thiện chất lượng đầu tư nước ngoài, thu hút thêm các nhà đầu tư trong một số ngành nghề mà EU có tiềm năng như công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, các dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ ngân hàng, tài chính. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ rõ, việc chuẩn bị từ phía Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam về môi trường đầu tư kinh doanh, nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật, khả năng hấp thụ công nghệ… đóng vai trò quan trọng trong việc phát huy các cơ hội này.

Hiệp định này cũng giúp hỗ trợ sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước  thông qua tác động lan tỏa, do EU là khu vực có trình độ công nghệ phát triển cao, FDI gia tăng từ EU có thể đem theo thiết bị công nghệ cao. Tuy nhiên, kết quả này phụ thuộc phần lớn vào chất lượng nguồn nhân lực và khả năng hấp thụ công nghệ của khu vực trong nước.

Theo đánh giá của PGS. TS. Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, việc ký kết EVFTA là một cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là những nhà đầu tư không phải là đã có thỏa thuận với những nước như là của EU, hoặc thỏa thuận với những nước tự do thương mại với 10 nước khác trong Hiệp định CPTPP. Những doanh nghiệp này sẽ được hưởng lợi từ chính những thỏa thuận của Việt Nam với thị trường của những nước đó.

PGS. TS. Hoàng Văn Cường

Bên cạnh đó, ông Cường cũng cho rằng, đây là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư ở chính những nước như là EU hay những nước nằm trong khối CPTPP. Nếu những doanh nghiệp này đầu tư vào Việt Nam thì người ta sẽ được hưởng trọn vẹn các ưu đãi, đặc biệt là các ưu đãi về xuất xứ, nguồn gốc sản phẩm. Như vậy sẽ sản xuất ở những nước có điều kiện phát triển tốt và lại được tiêu thụ ở thị trường phát triển như CPTPP và EU thì đó là những điều kiện thuận lại rất lớn cho các nhà đầu tư.

Những doanh nghiệp từ EU và CPTPP nằm trong ưu tiên vì đây là những nước có công nghệ cao, có thể tạo ra sự dẫn dắt cho doanh nghiệp trong nước. Do đó, PGS. TS Hoàng Văn Cường lưu ý: Những doanh nghiệp này khi đầu tư vào Việt Nam sẽ được hưởng lợi kép về cả mặt thị trường và chính sách ưu đãi trong nước.

Đánh giá về cơ hội từ EVFTA, TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) - cho biết hoạt động đầu tư từ châu Âu vào Việt Nam hiện nay vẫn khá khiêm tốn do các nhà đầu tư châu Âu mạnh về dịch vụ hơn sản xuất hàng hóa. 

TS. Nguyễn Đình Cung

Tuy nhiên, các chuỗi giá trị sản xuất đang thay đổi và đây là cơ hội để giảm phụ thuộc nhiều vào các nhà đầu tư từ châu Á. Cùng với thu hút dòng vốn đầu tư, Việt Nam cũng sẽ có động lực thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính phù hợp đón dòng vốn này, ông Cung nhận định.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, cả EVFTA lẫn IPA đều là những hiệp định tiêu chuẩn cao, nên thách thức tới đây là hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan, tháo bỏ những rào cản, tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam bứt phá, cạnh tranh với nhà đầu tư nước ngoài./.