Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ông Andrew Jeffries đánh giá, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đang phải giải quyết các thách thức vì Covid 19. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam đã điều chỉnh, quản trị rất tốt, tạo tiền đề cho kinh tế đạt mức tăng trưởng cao vào năm 2021.
Ông Andrew Jeffries lạc quan dự báo kinh tế của Việt Nam trong năm 2021: “Việt Nam đã và đang kiểm soát rất tốt nền kinh tế trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng nổ với GDP tăng trưởng dương, trong khi rất nhiều nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới đều phải chịu mức tăng trưởng âm và phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp hơn Việt Nam rất nhiều. Tuy nhiên, chính phủ Việt Nam đã điều chỉnh, quản trị rất tốt, tạo tiền đề cho kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao vào năm tới. Do đó, chúng tôi dự báo kinh tế Việt Nam năm 2021 tăng trưởng 6,3%”.
Việc cả nước tập trung phòng chống, kiểm soát tốt dịch bệnh, đã tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Theo PGS.TS Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2021 kinh tế của đất nước sẽ đạt tốc độ tăng trưởng ở mức 6% như Chính phủ đề ra.
“Bức tranh của Việt Nam sẽ khả quan hơn một số các quốc gia khác, năm 2021 sẽ là 1 năm hồi phục. Mức độ dự đoán tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, chúng tôi có tham khảo một số những dự đoán của các tổ chức khác, cũng như theo phán đoán đà tăng trưởng phục hồi kinh tế thì kinh tế Việt Nam năm 2021 có thể tăng trưởng ở mức 6%” - PGS.TS Nguyễn Anh Thu nói.
Chuyên gia Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam cho biết, Việt Nam được dự báo trong năm 2021 có tốc độ tăng trưởng nằm trong nhóm đầu trên thế giới, và tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Một số tổ chức quốc tế đánh giá, mặc dù chúng ta bị ảnh hưởng rất nhiều vì dịch, nhưng dựa trên một số những nền tảng như ổn định kinh tế vĩ mô, khả năng khống chế dịch bệnh của Chính phủ Việt Nam và người dân, doanh nghiệp Việt Nam… cũng như dựa trên những dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu thì kịch bản tăng trưởng của Việt Nam có thể đạt 6% - 6,7% trong năm 2021 và có thể đạt khoảng 6,5 - 7% năm 2022.
“Các tổ chức quốc tế luôn đánh giá tốc độ tăng trưởng của Việt Nam ở mức độ tích cực. Điều này thể hiện về lòng tin của những tổ chức quốc tế và các nhà đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế Việt Nam năm 2021 và những năm tiếp theo. Chúng ta cần phải tiếp tục phải duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô, đây là một yếu tố hết sức quan trọng. Thứ hai là chúng ta phải tiếp tục cảnh giác trước dịch bệnh và đảm bảo được rằng dịch sẽ không bùng phát trở lại Việt Nam- đây là một yếu tố có tính chất quyết định” - chuyên gia Lê Duy Bình cho biết.
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, để phục hồi và phát triển trong năm 2021, việc phòng chống dịch cũng như khống chế dịch Covid 19 là vấn đề rất quan trọng. Yêu cầu đặt ra là những chính sách khéo léo của Chính phủ về chính sách vĩ mô.
“Số 1 là câu chuyện phòng chống dịch, thứ hai là chính sách đối phó của Chính phủ bao gồm việc tìm điểm cân bằng nếu như dịch vẫn còn. Cần có bước hỗ trợ tiếp theo, chúng ta đừng quên thế giới vẫn đang đối mặt với rủi ro tài chính, cùng với đà phục hồi nếu có, việc khéo léo trong chính sách kinh tế vĩ mô trong phối hợp chính sách vĩ mô của các quốc gia, đặc biệt là chính sách tiền tệ, tài khóa cực kỳ quan trọng để giảm thiểu rủi ro hỗ trợ được cho kinh doanh” - ông Võ Trí Thành nói.
Nhiều chuyên gia kinh tế khuyến nghị, sự ổn định và tăng trưởng kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2021 tùy thuộc vào sự thành công trong thực tế kiểm soát dịch Covid-19 lây lan. Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công và chi tiêu công; triển khai hiệu quả các biện pháp tài chính-tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, trong đó có việc giảm thuế, hoãn nộp thuế và miễn phí sử dụng đất đối với các doanh nghiệp; hỗ trợ phục hồi tiêu dùng và gia tăng thương mại; tăng cường cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh. Gia tăng các nỗ lực cải thiện thu nhập hộ gia đình và doanh nghiệp, khai thác thị trường trong nước trước sự suy giảm tổng cầu nội địa.
Đất nước cần tăng cường khai thác các cơ hội từ sự tham gia các hiệp định thương mại song phương và đa phương, cũng như từ sự dịch chuyển và tái định vị các các chuỗi cung ứng khu vực và quốc tế sang những quốc gia có chi phí thấp và an toàn hơn… Từ đó để làm tiền đề cho tăng trưởng kinh tế 2021 và những năm tiếp theo của nền kinh tế đất nước./.