Ngân hàng HSBC vừa có báo cáo triển vọng thị trường châu Á quý IV/2014. Trong đó, HSBC đánh giá: Việt Nam đang âm thầm tự mình giải quyết các vấn đề. Sau nhiều năm tăng trưởng nhờ vào tín dụng với phần lớn vốn được rót vào khối công ty nhà nước kém hiệu quả, Việt Nam đang đi chậm lại và tập trung hơn vào chiến lược phát triển bền vững hơn – ngành xuất khẩu.
Dù tăng trưởng toàn cầu chậm, ngành xuất khẩu tại Việt Nam đang hoạt động với hiệu quả vượt trội hơn mong đợi, đạt tăng trưởng 14,1% trong tháng 9, so với cuối năm ngoái. Nhờ giảm nhập siêu, cán cân thương mại của Việt Nam từ thâm hụt chuyển qua đạt thặng dư nhỏ 2,5 tỷ USD. HSBC kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu đạt 15,9% trong năm nay, và xuất khẩu chiếm tỷ trọng 81,4% GDP. Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,7% trong năm nay và tăng hơn một chút, đạt 5,8% trong năm 2015.
HSBC kỳ vọng “những tin tức tốt lành sẽ đến trong khoảng cuối năm 2015 và trong năm 2016”. Bởi thoả thuận thương mại tự do giữa châu Âu và Việt Nam (EU-Vietnam FTA) sẽ được chốt lại vào khoảng cuối năm 2014 hoặc đầu 2015. Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gần như sẽ giúp ngành sản xuất của Việt Nam tăng tính cạnh tranh.
Các công ty đang xây dựng cơ sở của mình tại đây nhằm tận dụng lợi ích từ các chính sách thương mại tự do đã làm tăng lượng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp cũng đang có đà tăng trưởng, dù vẫn còn nhiều việc phải làm để tăng thêm giá trị gia tăng hơn là cạnh tranh về số lượng.
Về quản lý tài chính, HSBC đánh giá Nhà nước đã cải thiện việc quản lý. Trong thập kỷ trước, Việt Nam có nhiều dự án đầu tư lãng phí gây ảnh hưởng tới năng suất. Các dự án đầu tư công hiện nay chịu sự giám sát kỹ hơn và được thực hiện theo nhu cầu thiết thực hơn. Nhà nước cũng tập trung hơn vào các dự án cơ sở hạ tầng chính để tháo gỡ các nút cổ chai về hệ thống đường cao tốc và phân phối.
Dù cảnh báo tỷ lệ nợ xấu cao và khối công ty nhà nước kém hiệu quả vẫn còn đáng quan ngại. Tuy vậy, HSBC cho rằng, Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) có thể sẽ thúc đẩy tốc độ cải cách đến cuối năm nay và trong năm sau, dù các cải cách sẽ tập trung vào tăng năng lực giám sát của NHNN trong khuôn khổ pháp luật. Đồng thời, Chính phủ có kế hoạch tư nhân hoá các công ty lớn vào quý IV/2014 nhưng nhà nước vẫn đóng vai trò đầu tư chính trong các công ty “đầu tàu” của khối nhà nước.
Giá dầu thế giới thấp và nhu cầu nội địa thấp khiến áp lực chi phí cũng giảm. Cùng với điều đó, hiệu ứng cơ sở thuận lợi sẽ khiến lạm phát có mức thấp mới vào quý IV/2014 và NHNN sẽ có cơ hội để hạ lãi suất thị trường mở (OMO) thêm 50 điểm nữa, ở mức 4,5%./.