“Việt Nam vẫn có thể bắt kịp và đi trước trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hay còn gọi là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, khi có những sáng tạo và dựa trên lợi thế cạnh tranh của Việt Nam”, quan điểm này được Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đưa ra tại diễn đàn “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 – Được và mất” do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 7/4.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, cuộc cách mạng nào cũng chỉ có giá trị khi chúng ta làm những cái người khác chưa làm. Vì thế, Việt Nam hoàn toàn có thể đón nhận và đi đầu được trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hay còn gọi là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

nmhh_ivcp.jpg
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) tại diễn đàn “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 – Được và mất”.
Người đứng đầu Viettel cho rằng: “Nếu chúng ta nghĩ cuộc cách mạng lần thứ tư là cuộc cách mạng về công nghệ sẽ rất khó cho người Việt Nam. Nhưng nếu nhìn cuộc cách mạng này bằng sự phát hiện vấn đề và nhu cầu, thì người Việt Nam sẽ vô cùng may mắn, vô cùng có sức mạnh vì Việt Nam là nước thu nhập trung bình thấp nên có rất nhiều khát vọng và đó là lợi thế của Việt Nam”.

Cho đến nay, khái niệm về cách mạng 4.0 vẫn còn mới mẻ và nhiều nhận định cho rằng, Việt Nam sẽ khó có cơ hội nắm bắt cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tuy nhiên Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel lại cho rằng, cơ hội cho Việt Nam đang là rất nhiều. Việt Nam vẫn có thể bắt kịp và đi trước trong cuộc cách mạng này khi có những sáng tạo dựa trên lợi thế cạnh tranh của mình.

Ông Hùng dẫn chứng từ việc rút ngắn thời gian xây dựng công nghệ kết nối mạng viễn thông của Viettel. Nếu trước đây, Việt Nam mất 20 năm để xây dựng mạng 2G, 10 năm để có được mạng 3G, nhưng với mạng 4G, Viettel thực hiện với công nghệ mới nhất, phủ sóng đến vùng sâu vùng xa nhất chỉ mất thời gian 6 tháng.

Vị lãnh đạo Viettel cũng cho rằng, nếu nhìn đây là cuộc cách mạng của các doanh nghiệp lớn, của những người có nhiều tiền, của các “đại gia” thì sẽ thất bại. Nhưng nếu nghĩ đây là cuộc cách mạng là của toàn dân, của mọi người sẽ là lợi thế của Việt Nam.

Tương tự, nếu nhìn cuộc cách mạng 4.0 là của các doanh nghiệp siêu nhỏ, không phải các doanh nghiệp lớn thì Việt Nam sẽ cực kỳ lợi thế, bởi đa số doanh nghiệp Việt hiện nay là nhỏ và siêu nhỏ.

Các doanh nghiệp tham gia diễn đàn đều cho rằng, cần có những chuẩn bị để nhanh chóng bắt kịp với cuộc cách mạng 4.0. Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TienPhong Bank) chia sẻ, đối với ngành ngân hàng cũng đang có thay đổi nhanh chóng, khi các khách hàng ngày càng sử dụng phương tiện cá nhân để tiếp cận dịch vụ.

“Đến nay, 2/3 lượng giao dịch thực hiện trên mạng. Chi phí giao dịch trên mạng rẻ hơn vài chục lần so với truyền thống. Các ngân hàng đang tiệm cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nên khách hàng có thể tiếp cận dịch vụ tốt, lãi suất thấp hơn. Đó là lợi thế mà các ngân hàng đều phải hướng đến”, ông Hưng nói.

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho rằng, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Từ khi ngành công nghệ thông tin đặt mục tiêu vươn ra thế giới, tiềm lực ngành cũng vượt trội so với năng lực kinh tế Việt Nam.

Các chuyên gia cho rằng, lúc này khi cuộc cách mạng 4.0 mới bắt đầu, nên các nước gần như “bình đẳng” về cơ hội. Một nước đang phát triển như Việt Nam có thể đi thẳng vào nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới do các công nghệ này không phụ thuộc vào công nghệ cũ, từ đó có thể rút ngắn khoảng cách phát triển.

Còn theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, cuộc cách mạng 4.0 đặt ra áp lực lớn cho sự thay đổi. “Đây là động lực để đổi mới, tái cơ cấu. Mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã đến giới hạn. Cách mạng công nghiệp lần thứ  4 sẽ tạo sức ép khủng khiếp cho cải cách. Cần phải có những cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp bắt kịp và tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức”, chuyên gia Lê Đăng Doanh nhấn mạnh./.