Ngày 20/7, tờ nhật báo Al Messa – một trong những tờ báo uy tín nhất của Ai Cập đã đăng tải bài viết với tựa đềKinh tế biển và du lịch là trọng tâm trong hợp tác giữa Ai Cập và Việt Nam”của tác giả Refat Khaled.

Trong bài báo, tác giả nhấn mạnh: “Trong chuyến thăm Ai Cập hồi tháng 5 vừa qua, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng ban tuyên giáo Trung ương đã khẳng định quan hệ Việt Nam và Ai Cập đang chứng kiến sự phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là sau chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah El-Sisi đến Việt Nam trong năm 2017”.

bai_bao_pdkc.jpg
Nội dung bài báo

Tác giả nêu “Chuyến thăm của Tổng thống El-Sisi đến Việt Nam đã thúc đẩy mạnh mẽ sự hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về kinh tế biển và du lịch. Là quốc gia lớn tại Bắc Phi, Ai Cập luôn giữ vị trí địa chiến lược quan trọng, là cửa ngõ của ba châu lục Phi - Âu - Á. Về phía Bắc, Ai Cập tiếp giáp vùng biển biển Địa Trung Hải, về phía Đông giáp biển Đỏ với tuyến kênh đào Suez. Trong khi đó, Việt Nam có 48 vùng vịnh và hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ trên Biển Đông. Về nguồn lợi hải sản, Việt Nam nằm trong danh sách danh sách 20 vùng biển có lợi ích kinh tế lớn nhất toàn cầu do hải sản đem lại với nhiều loài có giá trị kinh tế cao. Về du lịch, Ai Cập nổi tiếng với nền văn minh cổ đại, nền văn hóa phát triển rực rỡ do đó, cũng là điểm đến ngày càng được nhiều du khách Việt Nam lựa chọn và yêu thích. Lượng du khách Việt Nam đến Ai Cập ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, trong năm 2017, Việt Nam đã đón khoảng 36.000 lượt du khách đến từ các nước châu Phi, trong đó có Ai Cập, trong tổng 12 triệu lượt du khách quốc tế. Du khách đến Việt Nam để tham quan, du lịch tại hàng trăm bãi biễn cát trắng nổi tiếng trên thế giới như Hạ Long, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc trên đường bờ biển dài trên 3.260 km và hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ”.

Đến nay, Việt Nam và Ai Cập đã ký 9 văn kiện hợp tác, trong đó có 4 văn kiện liên quan đến kinh tế biển và du lịch. Điều này cho thấy kinh tế biển và du lịch đang là trọng tâm, ưu tiên hợp tác vì lợi ích chung của chính phủ và nhân dân hai nước nhằm góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp từ nhiều thập kỷ qua giữa Ai Cập và Việt Nam ngày càng phát triển rực rỡ hơn./.