Công ty TNHH Một thành viên thương mại Xăng dầu Minh Thư, có địa chỉ tại ấp Phú Hữu, xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre có 6 cửa hàng bán xăng dầu trên địa bàn tỉnh đã có văn bản gửi đến Sở Công Thương Bến Tre xin được tạm nghỉ trong 29 ngày vì kinh doanh thua lỗ.
Ông Dương Minh Tuấn, Giám đốc công ty cho biết, từ đầu năm đến nay, hoạt động của doanh nghiệp bị thua lỗ, mất khả năng thanh toán tiền mua hàng. Với mức chiết khấu xăng, dầu hiện nay chỉ vài trăm đồng/lít chỉ đủ chi phí vận chuyển; trong khi đó, doanh nghiệp đầu mối thì vẫn có lãi, mạnh tay “cắt” hoa hồng đối với đại lý. Tính ra một lít xăng dầu khi bán ra doanh nghiệp, cửa hàng phải lỗ 400 đồng tiền trả công cho nhân viên báng hàng, chưa kể tiền lãi suất vay ngân hàng và các chi phí khác. Với mức hoa hồng như hiện nay, mỗi tháng doanh nghiệm Minh Thư bị lỗ gần 1 tỷ đồng, không còn cầm cự được nữa.
“Nguồn cung vẫn có nhưng hoa hồng quá thấp, bây giờ bán không lỗ là mừng, tháng nào cũng có lỗ nhiều hay ít chứ đừng có nghĩ lãi bao nhiêu. Giá thế giới vừa nhích lên một chút là đầu mối nhập khẩu bóp hoa hồng xuống bằng 0, còn giá xăng dầu thế giới tăng 5-6% thì từ sáng đến giờ chưa thấy ai tăng hoa hồng lên, có chỗ tăng chừng 100 đồng/lít. Bây giờ càng bán càng lỗ, nếu tối thiểu hoa hồng tại kho là 700 đồng/lít thì bán mới bằng vốn”, ông Tuấn tâm tư.
Những ngày gần đây, hoạt động của nhiều đại lý bán xăng dầu trên địa bàn tỉnh Bến Tre trong tình trạng "tiến thoái lưỡng nan". Một số đại lý chỉ bán cầm chừng, không cần bán, có thời điểm hết xăng dầu cục bộ do nhà phân phối, đại lý cấp 2 chậm giao hàng. Ông Trần Công Nhiệm, ở phường Phú Khương, TP.Bến Tre cho biết, gia đình ông có 3 công ty chuyên kinh doanh xăng dầu với 8 cửa hàng bán xăng dầu ở huyện Bình Đại, Châu Thành và TP.Bến Tre. Từ đầu năm đến nay, hoạt động kinh doanh xăng dầu từ hòa vốn đến thua lỗ do giá hoa hồng thấp. Mỗi tháng ông phải chi 130 triệu đồng để trả lương cho 26 nhân viên bán hàng, cố gắng duy trì nhưng đã "kiệt sức".
“Thời gian qua, hoạt động công ty tôi thua lỗ gần 3 tỷ đồng. Xăng dầu lên giá thì mua không đủ hàng, không có hoa hồng; giá xuống cũng không đủ hàng, không có hoa hồng. Nếu tình trạng này doanh nghiệp sẽ phá sản, đóng cửa. Bây giờ công ty tôi kiến nghị Chính phủ xem xét cho giá hao đồng đối với đại lý là 1.000 đồng/lít, doanh nghiệp đầu mối là 2.000 đồng/lít và thương nhân phân phối xăng dầu là 1.500 đồng/lít", ông Nhiệm cho biết thêm.
Theo Sở Công Thương Bến Tre, trên địa bàn tỉnh có 411 cửa hàng bán lẻ xăng dầu tương ứng với 258 doanh nghiệp xăng dầu. Các cửa hàng bán lẻ xăng dầu lấy hàng của 37 thương nhân cung cấp xăng dầu. Ngoài ra, Bến Tre còn có 2 kho xăng dầu đang hoạt động với trữ lượng khoảng 5.600 m3. Sản lượng tiêu thụ xăng dầu của tỉnh trung bình hằng năm hơn 200.000 m3.
Trao đổi với PV VOV, ông Nguyễn Văn Bé Sáu, Giám đốc Sở Công Thương Bến Tre thừa nhận, hiện nay, nhiều đại lý kinh doanh xăng dầu trên địa bàn đang bị thua lỗ. Sở Công Thương đã tiếp nhận 5 đơn của các doanh nghiệp xin tạm ngưng hoạt động. Chiều 27/9, Sở sẽ họp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để có văn bản gửi UBND tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương giải quyết vấn đề này.
“Bây giờ nói chung các cây xăng càng bán càng thua lỗ. Chiều 27/9, chúng tôi sẽ họp với Cục quản lý thị trường, các địa phương xem lại mới trả lời cho họ. Song song đó, chúng tôi có tờ trình UBND tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương”, ông Nguyễn Văn Bé Sáu thông tin.
Cùng với nhiều địa phương trong cả nước, hoạt động kinh doanh xăng dầu ở tỉnh Bến Tre hiện đang đứng trước tình cảnh khó khăn, nhất là đối với các cửa hàng, đại lý trực tiếp cung cấp xăng dầu cho người dân, doanh nghiệp. Để sớm ổn định hoạt động kinh doanh xăng dầu, không xảy ra đứt gãy nguồn cung ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, sớm cần có sự quan tâm, hỗ trợ của các ngành hữu quan, các Bộ ngành Trung ương, để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích và trách nhiệm của các đơn vị kinh doanh ngành hàng này./.