Theo Sách Trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2020, Việt Nam hiện có có gần 800 nghìn doanh nghiệp (DN) hoạt động, trong đó hơn 97% DN có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa. DN quy mô lớn chỉ chiếm khoảng 2,8% tổng số DN hoạt động ở Việt Nam. Về thành phần kinh tế, DN tư nhân (DNTN) chiếm 96,8%, DN nước ngoài (FDI) chiếm 2,8%; và DN nhà nước (DNNN) chiếm 0,4% tổng số DN hoạt động.
Tốc độ chuyển dịch DN từ nhỏ lên vừa rất chậm. Vài năm gần đây có thêm hiện tượng hàng trăm DNTN phải mất 10-20 năm mới phát triển lên quy mô vừa, nhưng khi tương đối thành công lại quyết định rút khỏi thị trường, bán hoặc sáp nhập DN mình vào DN khác, chủ yếu là DN FDI.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, tình trạng “không chịu lớn” và không muốn chính thức hóa hoạt động kinh doanh của số đông DNTN siêu nhỏ, nhỏ và vừa phản ánh niềm tin kinh doanh còn thấp và bấp bênh ở khu vực kinh tế tư nhân (KVKTTN) Việt Nam.
“Thiếu niềm tin ở năng lực của bản thân, ở môi trường kinh doanh và sự bảo vệ của luật pháp khiến nhiều người tham gia kinh doanh chỉ nhằm mưu sinh và chỉ dám làm cầm chừng, cốt cho “đủ ăn” hơn là dám làm lớn hay làm ăn dài hạn”, TS. Phạm Chi Lan nhận định.
Bà Phạm Chi Lan đánh giá, chất lượng và hiệu quả của DN Việt Nam nói chung, trong đó có KVKTTN trên hai khía cạnh giá trị gia tăng và năng suất lao động cũng thấp và tụt lại khá xa so với các nước xung quanh.
TS. Phạm Chi Lan cũng thẳng thắn chỉ rõ: Hiện tượng “lợi ích nhóm”, “DN sân sau”, “DN thân hữu” đã tạo ra môi trường cạnh tranh bất bình đẳng giữa DN thân hữu với DN không có quan hệ thân hữu.
Đồng quan điểm này, TS. Nguyễn Thị Luyến (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) nhìn nhận: Cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các DNTN quy mô lớn chưa được chú trọng. Vẫn có sự phân biệt đối xử giữa các loại hình kinh doanh, làm cho doanh nghiệp không lớn được, thậm chí không muốn lớn.
Theo báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa kỳ (USAID), tới 70% DN cho rằng "nguồn lực kinh doanh (hợp đồng, đất đai,...) chủ yếu rơi vào DN thân quen cán bộ công quyền". Việc tiếp cận thông tin cũng thiếu công bằng, với 69% DN cho rằng cần phải có "mối quan hệ" để có thông tin hay tài liệu của tỉnh. Trong môi trường cạnh tranh không bình đẳng, những DN "thấp cổ bé họng" khó phát triển.
Để KVKTTN có thể trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, TS. Phạm Chi Lan cho rằng, cần tạo lập một môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng, lành mạnh. "Đây là tiền đề số 1, và cần được coi là trọng tâm của cải cách thể chế kinh tế trong những năm tới. Còn với KVKTTN, việc quan trọng nhất là nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, góp phần hiện đại hóa nền kinh tế để phát triển cao và bền vững trong mấy thập niên tới", bà Lan lưu ý.
Cùng với đó, các chính sách ưu đãi của nhà nước dành cho DN cũng cần được bố trí lại, chủ yếu để khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển giao và ứng dụng công nghệ tiên tiến, đào tạo nâng cao kỹ năng, hoặc thông tin, tư vấn giúp các DN, đặc biệt là DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa chuyển đổi, cùng nhau tạo lập hoặc tham gia các liên kết, các chuỗi cung ứng mới với giá trị gia tăng cao hơn.
Muốn phát huy vai trò DNTN, TS. Nguyễn Thị Luyến nhấn mạnh: Cần tạo không gian phát triển, tạo cơ hội cho kinh tế tư nhân, đặc biệt DNTN khai thác, sử dụng nguồn lực quốc gia phân bổ lại từ khu vực kinh tế nhà nước cho phát triển.
TS. Nguyễn Thị Luyến kiến nghị tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ vốn, giảm tối đa mức nắm giữ cổ phần nhà nước. Việc cổ phần hóa, thoái vốn sẽ giúp tạo không gian cho doanh nghiệp tư nhân khai thác, sử dụng các nguồn lực thoái lui từ khu vực kinh tế nhà nước (ngành, lĩnh vực kinh doanh, vốn, tài nguyên, nhân lực, thị trường...)
"Cần đẩy mạnh hơn nữa tốc độ cải cách, cắt giảm và minh bạch hơn nữa các thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí đối với hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, hoàn thiện khung pháp luật và chính sách đào thải doanh nghiệp yếu kém, đặc biệt chính sách về phá sản, để các doanh nghiệp có năng suất thấp dễ dàng thoái lui khỏi thị trường, dễ dàng quay vòng vốn, tái đầu tư mới", chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Luyến nêu ý kiến./.