Sáng 24/9, Trường Đại học Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức Hội thảo Phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Dự hội thảo có các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nhân trong lĩnh vực nông nghiệp.             

Việt Nam hiện có 7,8 triệu ha lúa, 1,2 triệu ha ngô và hơn 2 triệu ha các loại cây công nghiệp như cà phê, sao su, điều, hồ tiêu…Nhiều năm nay, Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo và cà phê. Giá trị xuất khẩu nông sản năm 2014 đạt hơn 30 tỷ USD, tăng gấp 4 lần năm 2010.

Nhưng đáng lo ngại là Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu nông sản thô, giá xuất khẩu chỉ bằng khoảng 65% giá trung bình của thế giới. Riêng với hai mặt hàng chủ lực là gạo và cà phê, từ năm 2012 đến nay, sản lượng và giá trị liên tục sụt giảm, nông dân vẫn chật vật đương đầu với tình trạng “được mùa mất giá” và tổn thất sau thu hoạch cao.

 

xuat_khau_gao_chau_phi_zduy.jpg
Sản lượng và giá trị gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục sụt giảm từ năm 2012. (Ảnh: KT)
Năm 2012, Việt Nam xuất khẩu hơn 8 triệu tấn gạo và hơn 1,7 triệu tấn cà phê thì năm 2014 chỉ xuất 6,38 triệu tấn gạo và 1,65 triệu tấn cà phê. Giá gạo và cà phê đều gần như thấp nhất so với các nước xuất khẩu lớn ở ngành hàng này.

Nhiều đại biểu cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này là do nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa thực sự chú trọng vào công nghệ sản xuất, không đầu tư đúng mức cho công nghệ sau thu hoạch như bảo quản, chế biến, làm thương hiệu, xúc tiến thương mại…Vì vậy, nông nghiệp nước ta vẫn chưa thực sự phát triển theo chiều sâu, chưa xây dựng được chuỗi cung ứng nông sản chuyên nghiệp, chưa tạo được chuỗi giá trị cao.

GS. Nguyễn Quốc Vọng, Đại học RMIT cho rằng, trong một khoảng thời gian rất dài Việt Nam đã coi trọng số lượng, xuất khẩu càng nhiều về số lượng và xem đó là thành công.

“Xu thế của thế giới hiện nay, nhất là các nước nhập khẩu đã chuyển từ số lượng sang chất lượng, trong đó có thêm yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm. Nông sản Việt Nam giảm xuất khẩu là do chưa đáp ứng được yêu cầu và xu thế mới của thị trường thế giới ở chỗ quan tâm đến chất lượng thay vì số lượng”, GS. Nguyễn Quốc Vọng chỉ rõ.

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu cũng đưa ra nhiều giải pháp cho sản xuất và tiêu thụ nông sản, nhất là khi Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra nông sản sạch, đáp ứng các yêu cầu của những thị trường khó tính, hình thành chuỗi cung ứng khép kín để tối ưu hóa lợi nhuận./.