Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) vừa công bố có đưa ra khuyến nghị: Việt Nam cần chấm dứt sử dụng các biện pháp kiểm soát giá mang tính hành chính.
Theo phân tích của VEPR, tiếp tục xu hướng năm 2014, năm 2015 có mức tăng giá tiêu dùng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Lạm phát bình quân của cả năm 2015 chỉ ở mức 0,63%. Tuy nhiên, sau khi loại trừ các mặt hàng lương thực-thực phẩm, năng lượng và các mặt hàng do nhà nước quản lý khỏi rổ hàng hóa, lạm phát lõi của Việt Nam tăng 2,05% trong năm 2015.
VEPR cho rằng, mức lạm phát lõi là tương đối phù hợp và cần được duy trì để giữ kỳ vọng lạm phát ở mức thấp, từ đó giúp cho mặt bằng lãi suất ổn định, tạo thuận lợi cho quá trình hồi phục kinh tế. Mặc dù vậy, lạm phát có thể đứng trước những biến động mạnh hơn trong năm 2016.
Lý giải nhận định này, VEPR nêu: Thứ nhất, giá năng lượng và nhiều loại hàng hóa đã ở mức thấp kỷ lục và có khả năng sẽ đi ngang hoặc tăng nhẹ. Thứ hai, hiện tượng thời tiết El Nino đang tác động bất lợi đến nguồn cung gạo, có thể khiến giá cao hơn trong năm 2016. Lưu ý, quyền số của nhóm hàng lương thực sẽ được điều chỉnh giảm giai đoạn 2016-2020 dù vẫn giữ một tỷ trọng cao.
Thứ ba, khả năng tăng giá các nhóm hàng do nhà nước quản lý bao gồm điện, dịch vụ y tế và giáo dục trong năm 2016 là lớn. Thứ tư, tốc độ tăng cung tiền vượt xa GDP danh nghĩa đang tích lũy những rủi ro gây bất ổn về giá, lạm phát 2016 sẽ ở mức 4-5%.
Vì vậy, VEPR khuyến nghị, cần đẩy nhanh tiến độ thị trường hóa giá các loại hàng hóa, dịch vụ công như y tế, giáo dục và các mặt hàng thiết yếu điện, nước,... Chấm dứt sử dụng các biện pháp kiểm soát giá mang tính hành chính, dẫn tới méo mó thị trường, gia tăng thâm hụt ngân sách cũng như giảm hiệu quả điều hành của các công cụ vĩ mô truyền thống là chính sách tiền tệ và tài khóa. Điều này dù gây khó khăn cho kiểm soát lạm phát trong ngắn hạn nhưng tạo tiền đề quan trọng ổn định chính sách trong dài hạn./.