Những phản ánh của doanh nghiệp về việc VEC không minh bạch trong đánh giá hồ sơ dự thầu gói thầu ETC4 – Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã được VOV.VN nêu chưa được làm rõ, thì mới đây VOV.VN lại tiếp tục nhận được phản ánh của các Doanh nghiệp về việc VEC vi phạm trong việc chấm thầu - gói thầu ITS-CG1: Mua sắm thiết bị, sửa chữa, nâng cấp hệ thống ITS trên tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Phản ánh lần này của các Doanh nghiệp vẫn giống như những phản ánh ở gói thầu ETC4, theo đó trong tổng số 03 nhà thầu tham gia nộp hồ sơ dự thầu, có 02 nhà thầu không được đánh giá đáp ứng (bị VEC loại) bước đánh giá kỹ thuật (bước 1), 02 Nhà thầu bị loại này cho biết họ đều là những nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực tương tự tại gói thầu ITS-CG1. Và vẫn với cách chấm thầu của VEC ở gói ETC4, thì gói ITS-CG1 này cũng chỉ có duy nhất 01 nhà thầu lọt qua bước 1 để tham gia mở hồ sơ đề xuất tài chính (bước 2).
Điểm đặc biệt, tên của Nhà thầu trúng thầu/ được đánh giá đáp ứng trong các thông báo của VEC ở cả gói ETC4 (tại công văn số 2138/VEC-ĐT ngày 20/92019 ) và gói ITS-CG1 (2267/VEC-ĐT ngày 04/10/2019) đều có tên của một nhà thầu duy nhất. Đây là Nhà thầu được đánh giá đáp ứng, tên nhà thầu duy nhất trúng thầu/ được đánh giá đáp ứng đều xuất hiện ở kết quả của 2 gói thầu.
Trở lại vớigói thầu ETC4 do VEC làm Chủ đầu tư, qua tìm hiểu được biết đối với giá đề xuất tài chính của các nhà thầu bị loại ở bước năng lực kinh nghiệm, kỹ thuật (là những nhà thầu có năng lực kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực tương tự) đều có giá đề xuất thấp hơn giá đề xuất của Nhà thầu duy nhất vượt qua bước đánh giá kỹ thuật (được VEC quyết định trúng thầu).
Do vậy, việc VEC khẳng định (trong văn bản 2213 ngày 30/9/2019 trả lời báo Điện tử VOV) về đảm bảo tính cạnh tranh về giá đề xuất tài chính của Nhà thầu trúng thầu khi thấp hơn dự toán duyệt hơn 22% là không khách quan. Bởi toàn bộ các nhà thầu có kinh nghiệm lâu năm bị loại đều có giá đề xuất tài chính thấp hơn, thậm chí có Nhà thầu đề xuất tài chính thấp hơn dự toán được duyệt đến 50% (nghĩa là VEC còn có thể tiết kiệm chi phí đầu tư đến 8 tỷ đồng, nếu như VEC tiếp tục giải quyết những khúc mắc kiến nghị của các Nhà thầu trong bước đánh giá năng lực kinh nghiệm; để các Nhà thầu được cùng tham gia cạnh tranh đúng nghĩa tại bước đề xuất tài chính; Nhằm tiết kiệm tối đa chi phí đầu tư).
Việc các Nhà thầu có năng lực kinh nghiệm bị loại nhưng đều có giá đề xuất tài chính thấp hơn nhiều so với dự toán được VEC phê duyệt cho gói thầu (thậm chí thấp hơn giá dự toán được VEC duyệt đến 50%) đã khiến dư luận hoài nghi về giá trị thực của gói thầu; Về việc lập, thẩm định, phê duyệt dự toán của VEC đã đúng với thực tế giá cả thị trường hay chưa? Đây chính là nguyên nhân khiến đội vốn ở một số công trình xây dựng.
Vì sao cả hai lần VEC mở thầu đều khiến các nhà thầu bị loại không “tâm phục khẩu phục”? Các cơ quan quản lý cần làm rõ những “trùng hợp ngẫu nhiên” trong các kết quả lựa chọn nhà thầu tại VEC, hay những nghi ngại của Doanh nghiệp về hiện tượng “thông thầu tại VEC”?
Ngoài những phản ánh của các Doanh nghiệp về “cách chấm thầu thiếu minh bạch” cùng xảy ra ở 2 gói thầu: ETC4 và ITS-CG1, thì một sự trùng hợp “kinh ngạc” nữa là cả 2 gói thầu ETC4 và ITS-CG1 do VEC làm Chủ đầu tư đều do một đơn vị Tư vấn thiết kế thực hiện xây dựng hố sơ thiết kế (hồ sơ thiết kế này là cơ sở để xây dựng hồ sơ mời thầu).
Kết quả trúng thầu/ kết quả đánh giá đạt: Đều chỉ có duy nhất một Nhà thầu đạt (và tên nhà thầu này đều xuất hiện ở kết quả của 2 gói thầu).
Phải chăng những sự trùng hợp trên không phải là “ngẫu nhiên” đến mức các doanh nghiệp phải bức xúc lên tiếng và phải chăng hiện tượng “thông thầu tại VEC” là có cơ sở?
VOV.VN tiếp tục thông tin về vấn đề này./.