Gà 9 cựa, ngựa chín hồng mao trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh không phải là điều huyễn hoặc. Gà 9 cựa đã tồn tại trong đời sống người dân vùng đất Tổ Hùng Vương từ hàng ngàn đời cho tới nay, hiện hữu và sống động.

Giống “gà chúa” vùng đất Tổ

Đường vào vùng lõi Vườn Quốc gia Xuân Sơn (tỉnh Phú Thọ) quanh co lên xuống, uốn lượn như dải lụa màu chàm mềm mại vắt trên tấm thảm màu xanh lục. Đi xuyên Vườn chỉ dưới một màu xanh ngắt của cây rừng, bóng núi. Nằm lọt thỏm trong vòng vây của rừng già, giữa những ngọn núi vút cao, bản Dù, bản Cỏi, bản Lạng rải rác trên một vùng thung lũng ở chính trung tâm Vườn Quốc gia, nơi định cư tự bao đời của đồng bào Dao tiền, nơi còn lưu truyền được nguồn giống quý: Gà 9 cựa.

vtc_3608_gihw.jpg
Đàn gà trong trang trại của ông Bàn Xuân Lâm.
Tương truyền đây là giống gà mà vị thần núi Sơn Tinh đã cất công lên tận đất này mang về cầu hôn nàng Mỵ Nương. Gà 9 cựa có đôi chân cứng và rất khỏe. Thông thường gà chỉ có 6 - 7 cựa, gà mái thì 4 - 5 cựa. Gà nhiều cựa nhất từng được ghi nhận ngoài truyền thuyết, cho đến nay cũng chỉ có 9 cựa nhưng rất hiếm, có lẽ bởi vậy mà có tên “gà 9 cựa”.

Gà trống có dáng vẻ oai phong khác lạ so với những giống gà thường. Và điều đặc biệt hơn là cả gà trống và gà mái đều có cựa. Chẳng thế mà bà con người Dao nơi đây thường gọi giống gà này là “gà chúa”.

Gà 9 cựa không chỉ lạ, khỏe và hiếm có như trong truyền thuyết xưa. Gà 9 cựa còn có chất lượng thịt đậm đà, thơm như hương rừng thoang thoảng. Đồng bào vùng lõi Vườn Quốc gia khi thịt gà trong những dịp cúng lễ thường bày biện rất kiểu cách, ở góc mâm có mấy cái đĩa làm từ lá vả cắt khoanh, nhỏ bằng cái chén con, đựng muối trộn hạt dổi. Trước khi ăn cũng thường làm động tác lễ tạ ơn thần núi, thần rừng.

Chiều trong bản Lạng, bên mâm cơm với đĩa thịt gà tỏa khói thơm nức, ông Bàn Xuân Lâm, Bí thư xã Xuân Sơn kể: Gà 9 cựa thuần chủng lông màu đỏ sẫm rực rỡ và bay giỏi như chim. Giống gà này ăn khỏe nhưng lớn rất chậm, con nào con nấy chỉ đến khoảng hơn 1kg là dừng lại. Giống gà 9 cựa có 2 dòng, mỗi chân có 3 cựa hình tam giác gọi là lục đinh, còn mỗi chân có 5 cựa nhưng 1 cựa lép chính là giống 9 cựa. Loại này cựa mọc tiến dần từ dưới lên kheo chân chứ không phải mọc hình tam giác. Gà 9 cựa đất thủy tổ là giống gà chọi chính cống với đặc điểm hiếu chiến và hung dữ. Giống gà này có khả năng kháng bệnh rất tốt, chúng rất khôn, có thể trông nhà khi chủ đi vắng.

Được thưởng thức món gà quý, nghe câu chuyện về giống gà chúa từ thời các Vua Hùng, nhâm nhi ly rượu sim trong một chiều đông se se gió, mới hay, để nuôi được một chú “gà Sơn Tinh” có đủ 9 cựa cũng không phải dễ. Giữ được giống gà quý còn khó khăn hơn. “Giống gà này rất khó nuôi ở quy mô lớn. Bản thân tôi đã nhiều lần mở rộng trang trại, tưởng sẽ nuôi tốt mà làm giàu nhờ gà 9 cựa nhưng không thành. Giống gà này nuôi nhốt là sẽ tự chết dần chết mòn, gà ấp cũng không nở được”, ông Lâm chia sẻ.

Không dễ nuôi và nhân giống

Gà 9 cựa có chất lượng thịt ngon, bởi vậy giá trị kinh tế rất cao. Đã nhiều người dân, cả chính quyền xã Xuân Sơn từng thử nuôi nhân rộng đàn gà. Tuy nhiên, giống gà này phải sống liền với môi trường tự nhiên rừng núi, nếu nuôi nhốt theo quy mô công nghiệp chúng sẽ tự “chột” đi theo thời gian.

Ông Bàn Xuân Lâm cho biết: “Ở ba bản trung tâm xã Xuân Sơn đều nuôi được gà 9 cựa nhưng số lượng không nhiều. Gà thuần chủng nhỏ, thường chỉ trên dưới 1kg/con và thời gian nuôi dài, thức ăn tốn hơn nuôi gà thường. Từ giữa năm đến nay, giá gà 9 cựa được thương lái lên “săn mua” tận bản dao động từ 250-300 ngàn đồng/1kg, sát Tết có thể lên 400-500 ngàn đồng/1kg mà bà con cũng không có để bán và còn phải giữ giống để nhân đàn. Do vậy, sau bao năm, gà 9 cựa vẫn chỉ có ở vùng rừng núi Xuân Sơn mà không phát triển thêm được”.

Nhà anh Bàn Văn Liên ở bản Cỏi hiện đang có hơn 50 con gà 9 cựa nhưng cũng chỉ có 1 con 7 cựa dài, 2 cựa nhú “thuần chủng” làm gà giống. Anh Liên cho biết: “Mỗi lứa gà ấp trên dưới 10 trứng mới đậu được 4-5 gà con. Phải 4-5 lứa ấp mới lại được gà trắng như con giống đang nuôi giữ. Nhiều người đến hỏi mua nhưng anh không bán, chỉ vì muốn giữ giống gà thuần này cho gia đình”.

Anh Bàn Văn Liêm kiểm tra ổ gà đang ấp.
Vừa ôm gà mẹ trong lòng, vừa soi lại những quả trứng đang được ấp trong ổ, anh Liên chia sẻ: “Trong cùng một lứa, cùng một cặp gà bố mẹ đẻ ra nhưng có con nhiều cựa và có con không cựa. Gà nhiều cựa thân hình nhỏ và rất ưa hoạt động, thường chạy đuổi nhau, chọi nhau từ khi còn nhỏ. Gà cũng thường tự kiếm ăn chứ ít khi quanh quẩn trong sân chờ chủ cho ăn. Cũng bởi vậy mà gà 9 cựa khó nuôi nhân rộng hơn gà thường”.

Bản Cỏi là bản nuôi nhiều gà 9 cựa nhất vùng nhưng cũng chẳng bao giờ người dân chủ động nuôi gà nhiều cựa thành hàng hóa ở đây. Phần vì đường xa, nhiều đèo dốc nên không thuận tiện để bà con đưa gà xuống chợ. Phần vì giống gà này không nuôi đại trà được, các gia đình trong bản nuôi nhiều nhất cũng chỉ được 50 - 70 con.

Thêm phần tập quán của đồng bào Dao, Mường nơi đây mỗi khi có khách hay các dịp lễ Tết là họ thịt gà mà chẳng cần để ý xem con gà ấy có nhiều hay ít cựa, quý hay không. Giống gà cựa cứ thế mà luẩn quẩn với số lượng có hạn ở vùng lõi Vườn Quốc gia Xuân Sơn./.

Việc gia tăng gà giống vẫn còn là bài toán khó. Giống gà này mỗi đợt đẻ trên 10 quả trứng, nhưng khi ấp chỉ được 3 - 4 con, có lứa không đạt con nào. Giống gà này ít chịu phối giống với các loại gà khác, đưa đi xa lại không sống nổi.

Hơn nữa, không phải con gà nào ra đời cũng có nhiều cựa. Con gà nào đạt 9 cựa gọi là “gà chúa” và được coi là hàng hiếm ở Xuân Sơn. Do vậy, việc vận động các hộ người Dao, người Mường nơi đây gia tăng chăn nuôi vẫn là giải pháp tốt nhất để bảo tồn giống gà quý này./.