Mùa khai thác hải sản năm nay kém hiệu quả nên nhiều chủ tàu cá ở Phú Yên phải vay tiền nóng theo dạng tín dụng đen, chấp nhận trả lãi suất cao để có tiền sửa chữa tàu. Điều này đẩy ngư dân vào tình cảnh: nếu không sửa chữa tàu cá thì sắp tới không thể vươn khơi, còn nếu sửa tàu thì gánh thêm nợ nần. Cơn sốt tín dụng đen, cũng vì thế mà bùng phát ở vùng biển.
tau_ca_ugwa.jpg
Ngư dân chủ yếu vay vốn lớn để đóng tàu còn tiền sửa chữa nhỏ chủ yếu là vay nóng.

Hiện tại, gỗ dùng cho sửa vỏ tàu, giá thấp nhất cũng lên đến 12 triệu đồng/m3. Một ngày công thợ sửa tàu, ít nhất cũng 400.000 đồng, chi phí sửa tàu tăng vọt. Những tàu cá sửa chữa nhỏ, ngư dân cần khoảng 50 triệu đồng. Còn những tàu sửa chữa lớn, chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng… Tiền để sửa chữa tàu cá, trở thành áp lực lớn đối với nhiều ngư dân khi mùa biển năm nay thất bát.

Ông Phan Tấn Ấn, ngư dân thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa cho biết: "Tàu không ra khơi được thì buộc phải sửa. Giờ không có tiền cũng phải đi vay để sửa chữa. Nếu tàu cũ mà không sửa thì không thể ra khơi đánh bắt được. Bây giờ tích được bao nhiêu vốn thì phải bỏ ra hết để sửa".

90% số tàu cá của ngư dân tỉnh Phú Yên hiện nay là tàu vỏ gỗ. Năm nào, tàu vỏ gỗ cũng phải tu bổ để chuẩn bị cho mùa khai thác mới. Chủ tàu buộc phải xoay xở mọi cách để có tiền sửa tàu. Và cách mà ngư dân buộc phải chấp nhận là vay tiền nóng.

Theo ông Văn Học ở thị trấn Hòa Hiệp Trung, sửa chiếc tàu 400CV lần này tốn khoảng 500 triệu đồng. Thu nhập từ nghề biển suốt 3 năm qua của ông Học, gần như không đủ cho một lần sửa tàu.

"Vay ngân hàng được bao nhiêu còn  thì phải vay tiền nóng ở ngoài, trả lãi suất cao để sửa chữa tàu thuyền mới có phương tiện ra khơi", ông Học chia sẻ.

Thực tế ở vùng biển, những ngư dân tiếp cận được vốn vay ngân hàng chủ yếu là những trường hợp nằm trong dự án đóng tàu theo Nghị định 67 với số vốn nhiều tỷ đồng. Còn những khoản tiền trên dưới 100 triệu đồng, cả phía ngư dân lẫn ngân hàng đều ngại thực hiện các hợp đồng vay tín dụng.

Ông Nguyễn Bửu, Chủ tịch UBND thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, cho biết, hiện nay ngân hàng có một số thủ tục chặt chẽ nên cũng rờm rà. Bà con mong muốn ngân hàng giảm bớt thủ tục hành chính.

Cứ đến mùa sửa chữa tàu cá, tình trạng vay nóng lại bùng phát ở vùng biển. Hình thức tín dụng linh hoạt từ phía các ngân hàng để giúp ngư dân có tiền sửa chữa tàu cá vẫn là khoảng trống ở vùng biển Đây chính là cơ hội tốt cho tín dụng đen hoạt động.

Thạc sĩ Trần Thanh Long, Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên, cho rằng đã đến lúc cần có những hình thức cho vay vốn phù hợp với cách thức sản xuất và cả cách sống của ngư dân.

"Hiện nay, Chính phủ đang có một Đề án phát triển các tổ chức tài chính vi mô thì chúng ta phải xây dựng cách thức cho vay mới. Ví dụ, cho vay thông qua nhóm tự lực, cho vay thông qua nhóm bảo lãnh thì sẽ huy động được tính đoàn kết tính cộng đồng của ngư dân trong quá trình vay vốn trả nợ mà giám sát khoản vay thì chất lượng khoản vay sẽ hiệu quả hơn. Như thế, cả người ngư dân không có tư liệu sản xuất cũng có khả năng tiếp cận được vốn ngân hàng. Về phía ngư dân, trước hết phải nâng cao ý thức sử dụng vốn vay, vay vốn đúng mục đích, trả nợ đầy đủ và đúng hạn", ông Long nêu ý kiến./.