Trong bài "Khó vay ngân hàng, dân nghèo Tây Nguyên phải vay ngoài lãi 60%/năm", chúng tôi đã đề cập tình cảnh của những nông dân nặng gánh nợ nần, không thể thoát nghèo với các khoản vay lãi cao, lãi mẹ đẻ lãi con ở khu vực Tây Nguyên.

vov_2_ziua.jpg
Chị Ksor Pyar- Một trong số nạn nhân bị chủ nợ lừa mất đất.

Tìm hiểu sâu hơn về tình trạng này, có thể thấy bà con đang được phục vụ rất chu đáo bởi bởi những “ngân hàng” tư nhân ngay trong thôn, trong xã. Các công ty tài chính cũng hết sức nhiệt tình tài trợ cho các khoản mua sắm của người dân, với mức lãi danh nghĩa rất nhẹ nhàng.

Nhiều năm nay, năm nào gia đình ông Nay Chruy, dân tộc Jarai, buôn Mlah, xã Phú Cần, huyện Krông Pa cũng vay tiền của bà Dũng, chủ một đại lý vật tư nông nghiệp, để đầu tư trồng sắn, trồng bắp. Lãi suất ông phải trả là 3% mỗi tháng nếu đồng ý bán toàn bộ sản phẩm làm ra trên rẫy cho bà Dũng, ngược lại lãi suất sẽ là 5%.

Theo Nay Chruy, "dù lãi cao nhưng ông vẫn vay, vì thủ tục rất đơn giản, chỉ cần ký sổ là được vay tiền. Không như đi vay của ngân hàng, thủ tục khó hơn mà số tiền được ít. Vay tư thương hết một mùa sắn cũng gần 1 năm. Tính ra lãi suất hơn 40%. Mình làm chỉ đủ trả nợ thôi nên gia đình vẫn nghèo."

Theo lời chỉ dẫn của ông Nay Chruy, chúng tôi đến nhà bà Lê Dũng, ở khối phố 9, thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa. Ngôi biệt thự hàng trăm mét vuông của gia đình bà Dũng trông thật đối ngược với những ngôi nhà sàn lụp sụp ở buôn Mlah – nơi có nhiều hộ dân được bà cho vay vốn, phân bón và vật tư nông nghiệp.

Bà Dũng khẳng định, "có nhiều người trong thị trấn cũng cho vay như bà. Thủ tục cho vay đơn giản “vô đối”, nhưng lãi suất thấp nhất là 3% mỗi tháng. Người đầu tư cũng nhiều, tầm 5-6 người. Lãi suất không biết họ có tính hơn mình không, tại vì làm ăn thì người nào biết người đó thôi."

Biệt thự của bà Lê Dũng - một tư thương ở huyện Krong Pa.

Lãi vay cao không chỉ xảy ra ở các huyện khó khăn như Krông Pa, Ia Pa, tỉnh Gia Lai, nơi có hệ thống ngân hàng chưa phát triển, mà ở nơi đã mở rất nhiều chi nhánh ngân hàng, nghề cho vay tự do lãi suất cao vẫn rất ăn nên làm ra.

Một chủ nợ thuộc diện lớn nhất xã Ea Ô, huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk cho biết, ở xã vẫn có người sử dụng gói vay nóng, lãi suất tới 2%/ngày, dù cách đó hơn chục km là rất nhiều các chi nhánh ngân hàng thương mại.

Không chỉ các cá nhân cho vay một cách dễ dàng, hoạt động của các công ty tài chính cũng đang trở nên sốt sình sịch, chiếm lĩnh những khoảng trống mà các ngân hàng để lại. Hàng ngàn điểm giới thiệu dịch vụ tài chính đã được mở, kết hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để thuyết phục người dân sử dụng các gói hỗ trợ tài chính mua hàng trả góp.

Các gói này có lãi suất phổ biến là 1,66%. Nếu cộng thêm cả tiền bảo hiểm sẽ là gần 2%. Nhưng đó mức lãi được tính bằng thủ thuật nhà nghề, còn lãi thực lên tới hơn 50%/năm, không có lợi nhuận nông nghiệp nào có thể trả được mức lãi này.

Ông Nguyễn Văn Cư, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Gia Lai cho biết, các công ty tài chính chỉ mở các điểm giới thiệu dịch vụ tại địa phương, không báo cáo tình hình kinh doanh, nên ngân hàng không nắm được cụ thể dư nợ và lãi suất của từng gói hỗ trợ. Nhưng ông Cư đồng ý rằng, không có nhiều người vay đủ trình độ để nhận ra thủ thuật tính lãi của các công ty tài chính.

"Ví dụ, vay 100 triệu, tháng này đã trả 10 triệu thì còn 90 triệu. Lẽ ra tháng sau, chỉ tính lãi của 90 triệu còn lại thôi, nhưng thực tế họ vẫn tính lãi của cả 100 triệu. Người dân có nhu cầu mà tính không kỹ là lãi bị chia đều trong đó rồi. Người dân phải nâng cao hiểu biết, phải thông thái, phải chọn lựa thôi", ông Cư cho biết.

Nếu như các công ty tài chính chỉ tận thu tiền lãi từ nông dân, thì các tư nhân cho vay tận thu cả đất nương rẫy. Điều này xảy ra khá nhiều tại vùng sâu tỉnh Gia Lai. Nhiều hộ dân đến kinh doanh, đầu tư cho dân tại chỗ, sau vài năm đã có được cả chục héc ta đất gán nợ với giá rẻ.

Thậm chí, có nơi chủ nợ còn đánh tráo việc thế chấp đất để vay tiền thành việc bán đất, để chiếm nương rẫy của người dân. Chị Ksor Pyar, một trong số 5 nạn nhân ở làng Kte 2, xã Hbông cho biết, quá tin vào chủ nợ, bà con hoàn toàn không ngờ đến việc mình bị lừa.

"Bà Thu nói là muốn vay vốn, thì 2 vợ chồng lên ngân hàng công chứng, ký tên. Tôi không biết ký thì lăn tay. Xong việc, về nhà bà Thu mới lấy tiền, 65 triệu đồng. Tôi không biết lăn tay như vậy là bán đất", chị Ksor Pyar ngậm ngùi nói.

Cho vay lãi nặng đang nở rộ ở Tây Nguyên, với nạn nhân chủ yếu là những nông dân khó khăn. Tuy nhiên ngành Công an rất khó để xử lý, bởi chưa có trường hợp nào phạm vào tội cho vay nặng lãi, tức là lãi vay gấp 10 lần mức lãi cơ bản mà Ngân hàng Nhà nước áp dụng.

Trung tá Trịnh Văn Đạt, Phó trưởng Công an huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai, cho rằng, “Cơ quan chức năng chưa có căn cứ để xử lý. Chỉ khuyến cáo với bà con, nên đến các tổ chức tín dụng có địa chỉ rõ ràng như Ngân hàng Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách để vay vốn với lãi suất phù hợp bà con. Như thế, bà con mới đảm bảo được cuộc sống. Còn vay lãi suất cao với các cá nhân ở ngoài, bà con khó đảm bảo trả lãi cho người ta.”

Có thể nhận thấy rằng, các trường hợp người dân, nhất là ở vùng sâu vùng xa vay tiền rồi bị xiết nợ, mất đất, đa số thuộc các giao dịch dân sự. Còn các vụ có dấu hiệu lừa đảo, đến nay vẫn chưa được làm rõ. Bởi vậy, hoạt động cho vay lãi cao càng sinh sôi nảy nở, thành những lưỡi câu, thành tấm lưới lớn giăng rộng, đánh bắt hoa lợi mà những hộ khó khăn phải một nắng hai sương mới kiếm được. Tấm lưới này chỉ có thể bị vô hiệu hóa khi người dân thuận lợi đến được với ngân hàng. Nhưng đó mới chỉ là ước mơ, chưa biết bao giờ trở thành hiện thực./.

Cùng loạt bài: Dân nghèo ở Tây Nguyên ngập trong nợ vì vay nặng lãi: