Ảnh hưởng giảm của giá vàng thế giới đã khiến giá vàng SJC trong nước tuần qua giảm mạnh. Đã có rất ít thời điểm giá vàng đảo chiều tăng nhẹ, tuy nhiên xu hướng giảm giá luôn áp đảo lên giá vàng trong nước.
Ở phiên khởi điểm đầu tuần, giá vàng trong nước đang trong dư âm giảm giá từ chốt phiên cuối tuần trước đó. Giá vàng SJC trong nước mở cửa phiên đầu tuần sụt giảm còn 36,62 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua – bán ở mức 120.000 đồng/lượng.
Tiếp tục ở những phiên sau đó, giá vàng trong nước liên tục giảm theo đà giảm mạnh của giá vàng thế giới. Giá vàng trong tuần chỉ ghi nhận được một thời điểm duy nhất tăng lên mức 36,64 triệu đồng/lượng. Đây cũng là mức giá cao nhất của giá vàng trong nước tuần qua.
Giá vàng trong nước đã giảm đến mức thấp nhất trong vòng 2 tháng trở lại đây, khi ở đầu phiên giao dịch ngày 22/8, giá vàng trong nước sụt giảm mạnh về mức 36,47 triệu đồng/lượng.
Chốt phiên cuối tuần sáng hôm nay (23/8), giá vàng trong nước đứng ở mức 36,52 triệu đồng/lượng. Như vậy, tính riêng trong tuần này, giá vàng trong nước giảm 100.000 đồng/lượng. Nếu tính cùng thời điểm của tuần trước, giá vàng giảm tới 150.000 đồng/lượng.
Theo báo cáo của Hội đồng vàng thế giới (WGC), quý II/2014, nhu cầu vàng của Việt Nam tổng cộng đạt 19,3 tấn vàng, giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 12 tháng đến hết quý II/2014, tổng lượng vàng tiêu thụ của Việt Nam đạt 86,3 tấn, trị giá 3,6 tỷ USD, giảm 4% khối lượng và 21% giá trị so với cùng kỳ năm 2013.
Kể từ sau Nghị định 24/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, thị trường mua bán vàng miếng thu hẹp từ 12.000 điểm giao dịch xuống còn 2.500 điểm. Hầu hết số tiệm vàng còn lại chỉ được kinh doanh vàng nữ trang. Các biển trưng giá bán chỉ còn lại giá vàng nữ trang và để trống phần ghi giá vàng miếng.
Mới đây Thông tư 22/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ có quy định về chất lượng tuổi vàng nữ trang. Để hút được khách hàng mua vàng, nhiều tiệm vàng đã trưng biển quảng cáo vàng nhẫn bốn số 9. Trên bảng niêm yết giá của các tiệm vàng nữ trang, vàng nhẫn bốn số 9 đứng đầu bảng giá thế chỗ cho giá vàng miếng trước đây.
Chốt phiên cuối tuần này, giá vàng thế giới đã tăng trở lại và đứng ở mức 1.280 USD/oz. Trong phiên trước đó, giá vàng đã có lúc chạm mức 1.273USD/oz là mức thấp nhất kể từ 18/6. Giá vàng thế giới kéo dài mạch giảm giá trong suốt tuần qua với 5 phiên liên tiếp và cũng là đợt giảm dài nhất kể từ 2/6. Tính chung trong cả tuần qua, giá vàng đã giảm xấp xỉ 20 USD/oz, tương đương với mức 2,1%.
Giá vàng giảm mạnh trong tuần qua sau khi biên bản cuộc họp mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có dấu hiệu cho thấy, các nhà hoạch định chính sách có thể tăng lãi suất sớm hơn dự kiến, khiến đồng USD tăng lên mức cao nhất trong vòng 6 tháng qua so với các loại tiền tệ chủ chốt khác.
Biên bản của cuộc họp cho thấy, nhiều thành viên Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) của Fed có chung nhận định thị trường việc làm đang phục hồi nhanh hơn mong đợi và gần trở lại bình thường. Số liệu tích cực về việc làm và nhà mới khởi công xây đựng đã làm tăng sự lạc quan về nền kinh tế và gây thêm sức ép đối với giá vàng.
Dữ liệu kinh tế Mỹ cho thấy, doanh số bán nhà và chỉ số sản xuất công nghiệp bất ngờ tăng. Điều này càng củng cố quyết định cắt giảm để kích thích kinh tế của Fed và đẩy chứng khoán Mỹ lên mức kỷ lục. Giá vàng giao hợp đồng theo kỳ hạn đã tăng 2 lần từ tháng 12/2008 lên mức kỷ lục 1.923,7 USD/ounce vào tháng 9/2011 khi Fed tiến hành mua nợ và cắt giảm lãi suất xuống mức thấp nhất nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Năm 2013, giá vàng giảm 28% khi kinh tế toàn cầu tăng trưởng tích cực và các nhà hoạch định chính sách bắt đầu cắt giảm chương trình mua trái phiếu. Năm nay, căng thẳng tại khu vực Trung Đông và Ukraine thúc đẩy nhu cầu trú ẩn đã khiến giá vàng đang tăng khoảng 6,3%.
Các nhà phân tích nhận định, hiện nay, nhu cầu vàng vật chất tại các quốc gia lớn trên thế giới như Trung Quốc hay Ấn Độ vẫn ở mức thấp, khi chưa đến mùa lễ hội chính diễn ra trong năm./.