Cảng biển của Việt Nam trở thành bãi rác của các nước phát triển bởi hàng nghìn container phế liệu bị “bỏ rơi”. Nguyên nhân từ chính sách tạm nhập - tái xuất có nhiều thay đổi, do vậy nhiều doanh nghiệp tham gia tạm nhập, khi không tái xuất được đã “bỏ của chạy lấy người”.
Trên 90% số container phế liệuTheo báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam, tính đến tháng 8/2014, tại các cảng biển của Việt Nam còn khoảng 5.450 container và 1.323 kiện hàng tồn đọng dạng vô chủ. Đứng đầu là cảng Hải phòng với trên 5.000 container, Quảng Ninh 52 container, Đà Nẵng 99 container, cảng Sài Gòn (TP HCM) có 177 container và 1.323 kiện hàng… Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Nhật cho biết, tại cảng Hải Phòng có những container hàng đã tồn đọng từ 5 - 10 năm. Cụ thể, trong tổng số hơn 5.000 container hàng hóa tồn đọng tại cảng này thì có tới trên 1.000 container tồn từ năm 2006.
Kỷ lục về thời gian nằm chờ tại đây phải kể tới 2 chiếc container chứa thuốc lá của một doanh nghiệp. Gần 10 năm phơi giữa trời mưa nắng khiến vỏ container mục ruỗng, lộ ra ngoài những vỏ bao thuốc lá đã bẹp dúm.
Một cán bộ quản lý cảng Chùa Vẽ chia sẻ: Sau mỗi trận mưa, nước ngấm vào các container này, rỉ nước ra khiến chúng tôi phải chịu đựng đủ các loại mùi từ a xít của ắc quy chì đến săm lốp ôtô cũ, giấy vụn mủn… Kinh hoàng nhất là 4 chiếc container hàng đông lạnh cách đây hơn 1 năm. Các container này chứa nội tạng động vật, sau một thời gian dài nằm tại cảng bị phân hủy, những con giòi to như ngón tay lúc nhúc bò ra khỏi container, rồi mùi thối bốc ra khiến ai đi qua cũng kinh sợ. “Sau rất nhiều kiến nghị của cảng, cơ quan chức năng vào cuộc mới tiến hành tiêu hủy được hàng hóa trong 4 chiếc container này. Khi đó chủ hàng phải tốn hơn 20.000 USD cho việc tiêu hủy” - ông Vũ Nam Thắng chia sẻ.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, hàng hóa tồn đọng chủ yếu thuộc loại hàng tạm nhập-tái xuất, nhập kinh doanh… đa phần hàng hóa có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Mặt hàng tồn đọng chủ yếu gồm caosu, lốp cao su đã qua sử dụng, quần áo đã qua sử dụng, phế liệu, thiết bị điện đã qua sử dụng, hàng điện tử đã qua sử dụng…. Trong khi, người đứng tên nhận lô hàng là các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập-tái xuất, nhưng do chính sách kiểm soát rất chặt chẽ hàng nhập khẩu qua biên giới nên việc tái xuất hàng hóa gặp khó khăn.
Không có kinh phí để xử lý
Cũng theo ông Nguyễn Nhật, qua kiểm tra thực tế 1.426 container hàng hóa tại cảng Hải Phòng, Cục Hàng hải Việt Nam đã phát hiện và xử lý nhiều vi phạm về việc vận chuyển hàng hoá vào Việt Nam. Trong đó, những mặt hàng không đủ tiêu chuẩn nhập khẩu, hàng hóa tạm nhập tái xuất phải không có giấy phép, hàng hóa thuộc danh mục cấm tạm nhập tái xuất, hoặc đã tạm dừng. Dù đã tính đến việc xử lý hàng hóa tồn đọng, nhưng theo tính toán, phải cần rất nhiều thời gian, cơ quan chức năng phải kiểm tra thực tế hàng hóa, xác định phân loại đối tượng, thời gian thông báo tìm chủ sở hữu…
Theo Thông tư 15 của Bộ Tài chính về xử lý hàng tồn đọng có hiệu lực từ 1/4/2014. Nhưng việc thực hiện thông tư này gặp nhiều vướng mắc về kinh phí. Ông Cao Trung Ngoan - Phó Tổng giám đốc Cty CP Cảng Hải Phòng - cho biết: Cảng Hải Phòng nhiều lần đề nghi Cục Hàng hải, Bộ GTVT và UBND TP.Hải Phòng về việc chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với cảng Hải Phòng xử lý hàng tồn đọng. Cảng Hải Phòng cũng chấp nhận miễn toàn bộ chi phí kho bãi, thậm chí “khuyến mại” chi phí nâng hạ, kiểm hóa để phục vụ xử lý hàng tồn đọng, nhưng tới nay hơn 1.000 container vẫn không thể xử lý được vì kinh phí xử lý quá lớn.